Hà Nội: Quận Thanh Xuân còn ô nhiễm bụi đến giữa năm 2008

Theo kết quả Trung tâm quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, Thanh Xuân là quận có nồng độ ô nhiễm không khí lớn nhất Hà Nội. Song chính quyền quận không thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm.

Ngày 20/12, ông Đinh Tiến Sỹ – Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường UBND quận Thanh Xuân, đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.

* Ông có thể cho biết vì sao tình trạng ô nhiễm không khí liên tục gia tăng trên địa bàn quận Thanh Xuân trong những năm gần đây?

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do trên địa bàn quận, hệ thống hạ tầng chưa hoàn thiện, một số con đường vành đai đang quy hoạch dở (đường Khuất Duy Tiến, Kim Giang) nên bụi không khí rất lớn. Thanh Xuân cũng là một quận công nghiệp, tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp (như khu công nghiệp Cao – Xà – Lá, xí nghiệp Dệt len Mùa Đông, Bóng đèn phích nước Rạng Đông…) đã góp phần làm tăng lượng bụi, trong đó có nhiều loại bụi khí thải độc hại.

* Vậy đâu là trách nhiệm của chính quyền quận trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí?

UBND quận có ban chỉ đạo về vệ sinh môi trường do phòng Tài nguyên môi trường làm thường trực. Chúng tôi có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan về môi trường như Đội cảnh sát môi trường của quận, Sở Tài nguyên môi trường,… để thực hiện công tác môi trường trên địa bàn…

Công việc cụ thể là phối hợp với Hợp tác xã Môi trường Thành Công tưới rửa đường 2 lần một ngày trên những tuyến đường chính và vận động các tầng lớp nhân dân dọn vệ sinh thường xuyên, liên tục vào thứ 7 hàng tuần, các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp vào chiều thứ 6. Chi phí để thu gom rác thải và rửa đường hoàn toàn do ngân sách của quận.

Chúng tôi cũng phối hợp với Trung tâm quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên môi trường tiến hành đo đạc nồng độ ô nhiễm theo định kỳ mỗi năm 1 lần. Ngoài ra, còn phối hợp với Cục cảnh sát môi trường, tổ cảnh sát bảo vệ môi trường của quận (mới được thành lập từ năm 2006) đi kiểm tra, rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh, những tuyến đường đang thi công và các vị trí thu gom rác thải.

 onhiembui

Người bán xổ số trên đường Khuất Duy Tiến phải sống chung với bụi thế này.

* Một số nhà máy và các đơn vị thi công đã gây ô nhiễm không khí, chính quyền quận đã có những biện pháp gì để xử lý?

Hiện nay chúng tôi đã có công văn đôn đốc các nhà máy trên địa bàn quận thực hiện di dời ra khỏi khu vực nội thành theo quyết định 74 của thành phố. Xí nghiệp Dệt len Mùa Đông – một đơn vị gây bụi không khí rất lớn nằm trên đường Nguyễn Tuân hiện đang di dời đến tỉnh Hà Tây.

Có một thực tế là những các con đường vành đai được thi công quá chậm và chưa triệt để. Rõ ràng trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư – Ban quản lý dự án Thăng Long thuộc Bộ Giao thông vận tải. Chính quyền quận chỉ có trách nhiệm giải phóng mặt bằng và phối hợp thực hiện.

Tại khu vực đường Kim Giang với các phường 2 bên bờ sông Tô Lịch, chính quyền quận cũng chỉ phối hợp với Sở Giao thông công chính thực hiện dự án thoát nước và lát bờ trên sông Tô Lịch, còn thi công trên bề mặt đường hoàn toàn do Sở Giao thông thực hiện.

Đối với các trường hợp này, khi phát hiện ô nhiễm môi trường, UBND quận thông báo cho các ban quản lý dự án, nhắc nhở họ có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm đến môi trường như tưới nước ngay trên nền đường mình vừa lu lèn để giảm lượng bụi.

* Tuy nhiên đến nay tình trạng ô nhiễm tại địa bàn quận vẫn rất chậm được giải quyết. Phải chăng những biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm của chính quyền quận vẫn chưa quyết liệt? 

Với tình trạng ô nhiễm kéo dài trong nhiều năm qua, người dân cũng rất bức xúc. Khi nhận được đơn kiến nghị, chúng tôi đều mời chuyên gia của Sở Tài nguyên môi trường về kiểm tra, đo mức độ ô nhiễm không khí của một số cơ quan như: Viện Công nghệ Xạ Hiếm, Công ty Thanh Xuân… trên một số hộ dân ở đường Phương Liệt, Kim Giang, Nguyễn Tuân, sau đó có những biện pháp xử lý kịp thời.

Bản thân chúng tôi cũng phải trực tiếp hứng chịu bụi vì trụ sở UBND nằm ngay trên đường vành đai 3 đang thi công – con đường gần như bụi nhất Hà Nội.

Song chỉ riêng chính quyền quận, chính quyền phường thì không thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm. Phòng Tài nguyên môi trường của quận là cơ quan chuyên môn về môi trường nhưng trang thiết bị để kiểm tra môi trường chưa có, nhân lực thiếu. Điều làm ngay của quận, các phường là tiếp tục tuyên truyền vận động các cơ quan đơn vị doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tham gia góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tất nhiên những công việc tưới đường hay dọn vệ sinh mà chúng tôi đang thực hiện chỉ là những giải pháp tạm thời, trước mắt.

Để giải quyết ô nhiễm cần phải có thời gian và sự phối hợp của nhiều cơ quan chuyên trách về môi trường. Hơn nữa, chính các ban quản lý dự án giao thông phải chỉ đạo các đơn vị thi công làm sao có giải pháp thi công hợp lý, khoa học để thực hiện đúng tiến độ và giảm thiểu ô nhiễm không khí. Chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp đôn đốc các chủ dự án trên địa bàn thực hiện nhanh tiến độ thi công. Đến giữa năm 2008, dự án cơ bản hoàn tất đến đường Nguyễn Trãi thì sẽ có thể giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn quận Thanh Xuân.