Vận hành hồ Kẻ Gỗ: Phải đặt an toàn hạ du lên số 1

Trước tình hình thời tiết cực đoan, Hà Tĩnh cùng bộ, ngành Trung Ương đang tính toán, thay đổi phương án vận hành hồ Kẻ Gỗ.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 13, đến hết ngày 15/11, toàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa các khu vực phổ biến 50 – 100mm, có nơi trên 150mm.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này khuyên cáo, cần đề phòng khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi, đặc biệt tại các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Đức Thọ; nguy cơ xảy ra ngập úng vùng trũng thấp, đặc biệt là tại thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP.Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo địa phương thị sát, kiểm tra tại hồ Kẻ Gỗ sáng 15/11.

Trong sáng cùng ngày, đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Bộ trưởng bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban thường trực dẫn đầu cũng đã có mặt tại huyện Cẩm Xuyên – hạ du hồ chứa nước Kẻ Gỗ, chỉ đạo công tác ứng phó hoàn lưu bão số 13.

Kiểm tra công tác vận hành hồ chứa nước Kẻ Gỗ, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thông tin đến Bộ trưởng bộ NN-PTNT, đợt mưa lũ hồi giữa tháng 11 vừa qua lần đầu tiên Hà Tĩnh ghi nhận lượng mưa cực đoan lớn đến hơn 1.000mm trong thời gian rất ngắn. Việc tính đến xả qua tràn sự cố, theo thiết kế xác suất 1.000 năm mới xảy ra 1 lần thì lũ vừa qua đã gần rơi vào ngưỡng 1.000 năm 1 lần đó.

Trước tình hình thời tiết cực đoan, bộ ngành đang tính toán lại phương án vận hành hồ Kẻ Gỗ, đảm bảo an toàn cho hạ du lên hàng đầu.

“Trước đây Hà Tĩnh xây dựng dự án mới chỉ tính đến hạ du hồ Kẻ Gỗ nhưng bây giờ sẽ đánh giá tổng thể từ đập trở lên. Đó là quan trắc nguồn nước về hồ; tính toán nâng dung tích phòng lũ theo hướng, giảm chức năng tưới, kéo nước Ngàn Trươi về để tưới bù đắp một số diện tích tưới của hồ Kẻ Gỗ; giảm bớt công năng của hồ như giảm phần công nghiệp và nước sạch…”, ông Sơn nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, lâu nay vận hành hồ Kẻ Gỗ theo thứ tự đảm bảo an toàn công trình là số 1, tích nước phục vụ sản xuất đứng thứ 2 sau đó mới đến tiêu thoát lũ hạ du nhưng bây giờ sẽ đặt vấn đề an toàn hạ du lên số 1.

Hình ảnh Hà Tĩnh ngập trong nước tại đợt lũ lịch sử vừa qua.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, Hà Tĩnh cần thực hiện ngay việc rà soát toàn bộ kết cấu dân cư vùng thấp trũng, đặc biệt 3 địa phương vừa qua ngập lụt sâu là huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP.Hà Tĩnh. Trước đây, không có yếu tố biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay, còn bây giờ kết cấu dân cư, quy mô kinh tế lớn hơn, dày dặc hơn nên cần phải tổng đánh giá lại, có khoa học để đưa ra được nhóm giải pháp căn cơ.

Đối với hồ Kẻ Gỗ, bộ nhất trí phải tính toán lại. Hiện, Kẻ Gỗ là một hồ tốt nhưng trước tình hình biết đổi khí hậu, bộ sẽ cử đoàn cán bộ khoa học, thủy lợi vào cùng tỉnh đánh giá lại toàn bộ để có  một bài toán phục vụ tình hình mới. Từ công năng, sức chứa, yếu tố thượng nguồn cũng phải thay đổi.

Hình ảnh sạt lở tại núi Chai và núi Bục (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) sau đợt mưa lũ lịch sử…

“Cái hồ 345 triệu m3 là hồ nhỏ, phạm vi rừng xung quang mới là hồ lớn. Phải nghiên cứu đến rừng thường nguồn, rừng phải chăm, khoán như thế nào để giữ nguồn nước… Phần hồ tính toán công năng phục vụ, theo thứ tự ưu tiên, xác định cái nào quan trọng hơn để xây dựng quy trình vận hành phù hợp”, bộ trưởng Cường nói.

Cũng theo bộ trưởng bộ NN-PTNT, Hà Tĩnh cần đề phòng ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13. Hoàn lưu bão 13 đang gây mưa trên diện rộng, lưu vực sông lên trên báo động 3, các vùng thấp trũng nguy cơ ngập lụt trở lại. Toàn tuyến sườn tây nguy cơ sạt lở rất cao, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Bình – Quãng Ngãi. Suốt hơn 1 tháng vừa qua, miền Trung liên tục hứng chịu 9 cơn bão, 2 áp thấp, mưa lớn khiến diện tích nuôi trồng thủy hải sản kể cả nuôi trên biển và nước ngọt đều bị ảnh hưởng.

… đã san phẳng hơn 5ha diện tích trồng lúa của người dân, không thể khôi phục.

“Trước tình hình, chúng ta phải tập trung quản trị thật tốt liên hồ chứa vì tất cả hệ thống hồ của miền Trung kể cả Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều đã đầy với mức cao nên phải tuân thủ tuyệt đối theo sự chỉ đạo của liên hồ chứa. Các cấp chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra chỉ đạo vận hành; tăng cường lực lượng chuyên môn để hướng dẫn người dân ứng phó với diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng”, bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Trước đó, từ ngày 18 – 21/10, toàn Hà Tĩnh xảy ra mưa lớn cùng với các hồ chứa, thủy điện đồng loạt xả lũ khiến hạ du ngập sâu. Đặc biệt, huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP.Hà Tĩnh – hạ du hồ chứa nước Kẻ Gỗ chìm sâu trong biển nước.

Hình ảnh lực lượng chức năng huyện Cẩm Xuyên hỗ trợ người dân di dời tài sản trong lũ.

Đợt mưa lũ lịch sử nói trên đã làm 6 người tại tỉnh này chết; trên 3.700 nhà ở bị hư hỏng; phần lớn gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; gần 7 ngàn ha diện tích lúa mùa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, rau màu bị hư hại, mất trắng; hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh bị hư hỏng nặng; tổng thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng.