Khoảng trống truyền thông về biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – PANOS, một mạng lưới toàn cầu của các tổ chức phi chính phủ hợp tác về truyền thông để thúc đẩy phát triển mới đây nhận xét rằng các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, tuy nhiên hoạt động truyền thông của họ không mặn mà lắm trong việc đưa tin về thảm họa môi trường này. Việt Nam cũng không nằm ngoài nhận xét trên. Dưới đây là những ghi chép của nhà báo Thúy Bình gửi về từ Bali.

Một tháng chỉ có hơn hai bài báo 

Năm 2007, những người dân miền Trung đối mặt với sáu trận lũ liên tiếp và lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Năm 2007, những người dân ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh Nam Bộ phải đối mặt với đợt triều cường lớn nhất trong vòng 48 năm qua. Cũng trong năm 2007, người dân Hà Nội, nơi không hề có lũ lụt lại phải đối mặt với dịch tiêu chảy cấp bùng phát bất . 

Lũ lụt, triều cường, bệnh dịch bùng phát là những dấu hiệu liên quan chặt chẽ với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có rất ít bài báo chỉ ra mối liên quan giữa các hiện tượng trên và biến đổi khí hậu.  

Trong hai tháng 9 và tháng 10/2007, chỉ có 24 bài báo in và ba tác phẩm phát thanh về biến đổi khí hậu. Thông tin này do GS.TS. Phạm Huy Dũng, Viện nghiên cứu Sức khỏe, Môi trường và Phát triển, cho biết trong một khảo sát sơ bộ về vấn đề báo chí Việt Nam với biến đổi khí hậu.  

Tại hội nghị thượng đỉnh Bali đang diễn ra, chỉ có khoảng 9% số nhà báo đưa đến từ các nước đang phát triển.  

Kết quả trên được đưa ra sau hai tháng khảo sát 5 tờ báo in hàng ngày gồm Lao động, Tuổi trẻ, Nhân dân, Hà Nội mới, Báo Đồng Nai và các hai chương trình phát sóng: Tài nguyên và Môi trường phát hàng ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam và Tạp chí Môi trường và Tài nguyên phát hàng tuần trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng, mỗi tờ báo in chỉ phát hành khoảng 2-3 bài báo.  

Nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu sức khỏe, môi trường và phát triển nhận xét rằng hiện nay, các cơ quan truyền thông tại Việt Nam chỉ đưa tin về biến đổi khí hậu ở bề rộng ở mức độ quốc gia và toàn cầu, không có mối liên quan giữa các vấn đề và hiện trạng ở địa phương.  

Có rất nhiều bài báo đề cập đến các thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt, bão, nước ngầm nhưng chưa có nhà báo nào chỉ ra mối liên hệ giữa các hiện tượng trên và biến đổi khí hậu.  

Hầu hết các bài báo in về biến đổi khí hậu chỉ tập trung đưa tin vào các hội nghị, trích dẫn phát biểu của các quan chức trung ương và địa phương về biến đổi khí hậu. Kết luận trên được đặc biệt nhấn mạnh trong nghiên cứu được thực hiện với sự hỗ trợ của Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam (VFEJ) và Mạng lưới nhà báo Trái đất (EJN). 

Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nhưng công chúng Việt Nam lại không được báo chí thông tin đầy đủ. 

Nguyên nhân của việc thiếu thông tin trước hết do các nhà quản lý, khi tiếp xúc với báo chí, chưa đề cập đến mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực tại Việt Nam.

Nhà báo Hoàng Quốc Dũng, phó chủ tịch thường trực VFEJ, cho biết khi xem xét các hiện tượng cực đoan xuất hiện ngày càng dày đặc thời gian gần đây ở nước ta, hầu như không thấy cơ quan quản lý nào đề cập đến tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.  

Ngoài ra, theo ông James Fahn, giám đốc EJN, nguyên nhân còn nằm ở chỗ biến đổi khí hậu là một đề tài rất khó và không phải nhà báo nào cũng có thể hiểu hết khi mới tiếp cận. Đồng thời, ở Việt Nam hiện nay không có nhiều nhà báo chuyên viết về môi trường. Các nhà báo thường phải viết về nhiều chủ đề khác nhau, nhất là nhà báo làm việc tại các ấn phẩm xuất bản hàng ngày. Họ thường chỉ đưa tin về biến đổi khí hậu khi có các hội nghị hay sự kiện lớn liên quan đến vấn đề này. Một lý do nữa, những nhà báo phụ trách các chuyên mục hay tờ báo không hiểu hoặc không quan tâm đến biến đổi khí hậu. Do đó, họ không dành ưu tiên cho những bài báo thuộc đề tài trên. 

Kỳ nghỉ phép cho biến đổi khí hậu 

Không chỉ ở Việt Nam, biến đổi khí hậu cũng nằm dưới danh mục được ưu tiên tại nhiều nước đang phát triển như Mê-hi-cô, Gia-mai-ca, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma, Lào, Dăm-bi-a, Nê-pan mặc dù tại các quốc gia này tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã thực sự lộ diện.  

Trong báo cáo năm 2006 về “Thái độ của giới truyền thông trước biến đổi khí hậu”, Panos nhận định: Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thảo luận tại các nước đang phát triển nhưng các nhà báo tại Honduras, Jamaica, Sri Lanka và Jambia hiểu biết rất ít và không quan tâm nhiều đến vấn đề nóng hổi mang tính toàn cầu. 

Trong bài trình bày tại buổi họp báo của Panos, nhà báo Indi McLymont-Lafayette thuộc Panos Caribbean, cho biết: Trong nghiên cứu do Panos tiến hành năm 2005 về việc đưa tin biến đổi khí hậu của báo chí Jamaica, các nhà báo nước này đưa tin ở mức độ thấp ở cấp độ địa phương cũng như quốc gia. Những vấn đề như tội phạm, nghèo đói và bạo lực mới là chủ đề ưu tiên của báo chí. 

Giám đốc một cơ quan thông tấn của Jamaica cho rằng các nhà báo Jamaica không có nguồn thông tin của các nước giàu và họ còn bận đưa tin về các vấn đề như nghèo đói và tội phạm. 

Một nhà báo tự do của Jamaica nhận xét: “Chất lượng của các bài báo về biến đổi khí hậu tương đối tốt nhưng không có ảnh hưởng nhiều đến công chúng do thiếu về số lượng”. 

Mặc dù Hội nghị biến đổi khí hậu được tổ chức ngay tại In-đô-nê-xi-a nhưng nhiều cơ quan truyền thông của nước này không cử phóng viên đến đưa tin về hội nghị. Nhà báo Harry Surjadi, Hiệp hội Báo chí Môi trường In-đô-nê-xi-a, kể lại “Một đồng nghiệp của tôi muốn đến Bali để đưa tin về hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc nhưng tổng biên tập của anh ta nói đó không phải là sự kiện quan trọng và anh ta không cần thiết phải đến đó. Cuối cùng, anh ấy đã phải xin nghỉ phép để đến đây”.  

Trong một cuộc trò chuyện bên lề hội nghị Bali, nhà báo Miguel de Alba Gonzales, Mạng lưới báo chí Môi trường Mê-hi-cô, tâm sự với chúng tôi: “Hầu hết các ấn phẩm báo chí Mê-hi-cô chịu sự quản lý của các công ty thương mại. Bởi vậy, các nhà báo thích viết về các vấn đề kinh tế hơn, còn chủ đề biến đổi khí hậu không được ưa thích vì nó không mang lại tiền cho họ”. 

Hành động trước khi quá muộn 

Không được trang bị kiến thức về biến đổi khí hậu khiến Việt Nam và các nước phát triển gặp lúng túng trong việc xử lý các vấn đề của biến đổi khí hậu.  

Nhà báo Hoàng Quốc Dũng, phó chủ tịch thường trực VFEJ, cho biết: “Khi xem xét các hiện tượng cực đoan xuất hiện ngày càng dày đặc thời gian gần đây ở nước ta, dường như báo chí không đề cập đến tác động của biến đổi khí hậu và hay vấn đề thích nghi với ấm nóng toàn cầu.” 

Trong lá thư gửi đến hội thảo lần đầu tiên dành cho báo chí về biến đổi khí hậu, tổ chức ở Nghệ An – Hà Tĩnh từ 20 -22/11/2007, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã cảnh báo về sự chậm chễ trong nhận thức và hành động đối với vấn đề đang được cả nhân loại quan tâm.

“Tôi thực sự rất lo lắng khi thấy vấn đề này chưa được các nhà khoa học, các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo, và dư luận xã hội ta quan tâm thích đáng. Cần nhấn mạnh rằng các công trình nghiên cứu quốc tế và trong nước đều chỉ rõ nước ta là một trong những nước đứng ở tuyến đầu của hiểm họa biến đổi khí hậu toàn cầu”. 

Xin khép lại bài viết bằng lời khuyến cáo của Panos dành cho các nước đang phát triển: “Các nước đang phát triển cần thảo luận để mở ra những vấn đề về biến đổi khí hậu cho giới truyền thông. Những câu hỏi quan trọng cần được tìm hiểu như làm thế nào để có được các dự án từ Nghị định thư Kyoto, cần làm gì để thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu, làm thế nào để giảm thiểu thiên tai liên quan đến khí hậu và quốc gia đó có thể cắt giảm khí thải ra sao?”.