Khoa học – công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp

Khoa học công nghệ thời gian qua đã góp phần đắc lực vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Sản lượng lúa tăng từ 32,1 triệu tấn (năm 2001) lên gần 36 triệu tấn (năm 2006), bảo đảm mục tiêu xuất khẩu 3,5 – 4 triệu tấn gạo/năm.Tương tự sản lượng ngô tăng bình quân 14,7%/năm, các loại cây công nghiệp, cây ăn quả sáu năm qua cũng tăng cả về diện tích và sản lượng.

Những con số đáng mừng

Từ năm 2001 đến nay, khí hậu thời tiết ở Việt Nam có những biến đổi bất thường. Bão lụt, hạn hán, dịch bệnh xảy ra liên tục gây thiệt hại lớn về kinh tế – xã hội.

Song nhờ đầu tư cho công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, diện tích gieo trồng lúa giảm khoảng 150 nghìn ha (chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các loại cây có giá trị khác), nhưng phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, quan tâm ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chủ động phòng trừ dịch bệnh, cho nên năng suất lúa tăng từ 42,9 tạ/ha (năm 2001) lên gần 49 tạ/ha (năm 2006).

Theo đánh giá của ngành NN và PTNT, sản lượng lúa liên tục tăng từ 32,1 triệu tấn (năm 2001) lên gần 36 triệu tấn (năm 2006), vượt mục tiêu Ðại hội lần thứ IX của Ðảng đề ra (34 triệu tấn); không những bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mà còn xuất khẩu mỗi năm 3,5 đến 4 triệu tấn gạo. Tăng cường sử dụng các giống ngô lai và nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến đã nâng cao sản lượng ngô từ 2,16 triệu tấn (năm 2001) lên 3,75 triệu tấn vào năm 2005 (tăng 14,7%/năm).

Thị trường được mở rộng, tạo điều kiện cho các loại cây công nghiệp và cây ăn quả phát triển. Trên cơ sở đó, đã hình thành các vùng cây ăn quả tập trung như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn lồng Hưng Yên, cam quýt Hà Giang, nho Ninh Thuận, xoài miền Ðông Nam Bộ…

Ứng dụng các thành tựu của khoa học – công nghệ vào sản xuất, đời sống

Những năm qua, cơ cấu nông nghiệp có bước chuyển đổi theo hướng đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hóa có giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Hệ quả đó do nhiều yếu tố, nhưng một trong các yếu tố quan trọng là chúng ta đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tế sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

Tính đến năm 2005, nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu khoa học nông nghiệp cả biên chế và hợp đồng khoảng 7.300 người. Trong đó có hơn 500 tiến sĩ, gần 820 thạc sĩ, hơn 3.110 kỹ sư, còn lại là số có trình độ dưới đại học. Ðấy là chưa kể số cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học nhưng thuộc các viện, trường ngoài ngành NN và PTNT.

Nhiều văn bản của Chính phủ và bộ, ngành đã định hướng, gợi mở về cơ chế chính sách cho khoa học – công nghệ nhất là Quyết định 171/2004/QÐ-TTg (ngày 28/09/2004) tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học – công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn.

Sáu năm qua, khá nhiều chương trình, đề tài cấp nhà nước, cấp bộ đã được triển khai nhưng nổi bật hơn cả là chương trình giống cây trồng, vật nuôi, cây công nghiệp và ăn quả từng bước phát huy tác dụng, góp phần đáng kể làm tăng trưởng năng suất, chất lượng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thời gian qua.

Theo Tiến sĩ Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Khoa học – Công nghệ (Bộ NN và PTNT), đến nay đã có 80-90% số diện tích lúa và ngô, 60% số diện tích các cây mía, bông trong cả nước dùng giống mới. Chương trình nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng nông – lâm nghiệp và giống vật nuôi, bao gồm 52 đề tài cho GS-TS Bùi Chí Bửu làm chủ nhiệm đã chọn tạo và được công nhận 69 giống lúa, 13 giống ngô, 24 giống đậu đỗ, 23 giống rau, 20 giống cây lâm nghiệp và một số giống cây ăn quả, cây công nghiệp.

Chỉ nói về giống lúa lai, chúng ta đã làm chủ công nghệ chọn thuần và nhân dòng bố mẹ BOA, Trắc 64, Quế 99, R253, TLS96, RTQ5, R86, R100, ứng dụng cho sản xuất hạt lai F1 của các tổ hợp HTT83, HYT92, HYT100, TH3-3, TH3-4. Ðồng thời xây dựng quy trình công nghệ sản xuất hạt lai F1, các tổ hợp Bắc ưu 903, Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, đưa vào sản xuất trên diện tích 1.500-2.000ha/năm tại một số địa phương, cho năng suất trung bình hạt lai F1 đạt hơn hai tấn/ha.

Qua khảo nghiệm, các tổ hợp lai tốt nhất đã được đưa ra áp dụng sản xuất đại trà như các giống Việt lai 20, TH3-3, TH3-4, HYT83, HYT92, HYT100… Tại đồng bằng sông Cửu Long, đã tạo được bảy giống lúa ngắn ngày nhưng đạt năng suất cao. Nhất là các giống OM2717, OM2718, OMÐS20, OM2514-314 thích nghi với các vùng đất có điều kiện canh tác ba vụ, khả năng chống chịu phèn cao; tính đến các năm 2005 – 2006, những giống lúa mới này đã được bà con nông dân gieo trồng lên hơn 150.000 ha.

Riêng vật nuôi, đã chọn tạo được 16 bò đực và hơn 2.220 bò cái F2 cho năng suất sữa 4.000 lít/chu kỳ, ngoài ra còn nhiều giống lợn và dòng, giống gia cầm khác. Theo đó, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp đã xây dựng được 60 quy trình kỹ thuật sản xuất giống, thâm canh cây trồng bằng các giống đã chọn tạo.

Chương trình khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn (KC-07) gồm 29 đề tài, 10 dự án với tổng kinh phí đầu tư gần 150 tỷ đồng, do PGS, TSKH Phan Thanh Tịnh làm chủ nhiệm. Mấy năm qua, đã nghiên cứu, chế tạo được hơn 140 mẫu máy và hàng chục dây chuyền thiết bị mới, trong đó có hơn 80 công nghệ, hàng trăm mẫu máy, hơn mười dây chuyền thiết bị được đưa vào ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh.

Ðáng chú ý là các nhà khoa học trong lĩnh vực này đã công bố 52 công trình nghiên cứu, xuất bản ba đầu sách, xây dựng được hơn 60 mô hình sản xuất thực tế, mặt khác góp phần đào tạo cho ngành hơn 50 tiến sĩ, thạc sĩ…

Ngoài ra, sáu năm qua, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, công nghệ ngành NN và PTNT cũng triển khai, thực hiện bảy chương trình trọng điểm cấp bộ. Ðó là nghiên cứu quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và hạn chế thiên tai, công nghệ bảo quản và chế biến nông – lâm sản, là khoa học – công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn miền núi phía bắc, phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng Tây Nguyên… với hơn 80 đề tài, nguồn kinh phí đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Bảy chương trình ở các mức độ khác nhau đã tạo ra hàng chục giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng được hàng trăm mô hình tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thiết thực vào công tác xóa đói, giảm nghèo; từng bước cải thiện đời sống nhân dân các dân tộc miền núi vùng sâu, vùng xa.

Khắc phục hạn chế, yếu kém

Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, những năm qua cũng bộc lộ các hạn chế, yếu kém.

Ðiều dễ thấy là công tác quản lý nhà nước về khoa học – công nghệ mới chỉ quan tâm việc xác định đề tài mà chưa tập trung cho đánh giá hiệu quả, tác dụng của nó trong thực tế sau khi nghiệm thu. Vấn đề chấp hành quy chế quản lý đề tài, dự án nơi này, nơi kia còn thiếu nghiêm túc không ít Hội đồng khoa học cơ sở thẩm định đề cương mang tính hình thức.

Một số đề tài được tập trung đầu tư cao, nhưng khả năng quản lý, điều hành của người chủ trì hạn chế nên phải tiếp tục chia nhỏ cho các đơn vị, dẫn đến tình trạng thiếu những kết quả nghiên cứu mang tầm chiến lược; do vậy bị động trong xây dựng quy hoạch và hướng phát triển cũng như lộ trình hội nhập quốc tế của ngành.

Những năm gần đây, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, đào tạo cho các trường, viện không ngừng tăng lên song hiệu quả khai thác, sử dụng còn thấp. Sự phối hợp giữa nghiên cứu và đào tạo, giữa các đơn vị trung ương và địa phương còn lỏng lẻo.

Ngay các trung tâm nghiên cứu vùng còn thiếu sự gắn kết với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhất là chưa coi trọng ứng dụng công nghệ sinh học trong tạo giống giống cây trồng, vật nuôi và bảo quản sau thu hoạch nên việc chủ động đề xuất nhu cầu khoa học – công nghệ hỗ trợ cho phát triển, sản xuất, kinh doanh của địa phương còn đơn lẻ.