Từng bước xử lý ô nhiễm môi trường sông Đồng Nai

Ngày 03/12, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020" (Đề án sông Đồng Nai).

Định hướng chung của Đề án sông Đồng Nai là từng bước xử lý ô nhiễm môi trường, cải thiện và nâng cao chất lượng nước của dòng sông; thực hiện cân bằng nguồn nước nhằm phục vụ an toàn cho việc cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp, các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội bền vững khác và gìn giữ cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của lưu vực sông; xây dựng mô hình quản lý môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng, mọi tiểu vùng trong lưu vực, gắn với quyền lợi của người khai thác, sử dụng tài nguyên trên lưu vực với nghĩa vụ bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững dòng sông; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống cơ chế, chính sách, các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến và khả thi nhằm ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm; phục hồi, tái tạo, bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường và phát triển tài nguyên lưu vực sông.

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2010 là thành lập và đưa vào hoạt động Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, 100% các cơ sở sản xuất xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Phấn đấu đến 80% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, 40% các khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Giai đoạn 2016-2020, hoàn thành xử lý triệt để trên 95% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ngăn chặn có hiệu quả mức độ gia tăng ô nhiễm tại địa bàn. Ít nhất 70% khu đô thị và 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn lưu vực đạt ít nhất 50% tổng diện tích rừng tự nhiên, khôi phục cơ bản rừng đầu nguồn đã bị suy thoái.