“Đau đầu” vì ô nhiễm

Cuối năm, làng nghề làm bún, miến xã Minh Khai (Hoài Đức – Hà Tây) dường như bận rộn hơn bởi những đơn hàng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Thu nhập tăng, đời sống người dân khá lên trông thấy. Nhưng đằng sau việc kinh tế “cất cánh”, Minh Khai đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Làng nghề “cất cánh”

Xã Minh Khai cách Hà Nội chừng 20km nên rất thuận lợi để phát triển nghề làm miến, bún, phở khô và sản xuất mạch nha, bánh kẹo cung cấp cho thị trường Thủ đô. Từ đầu làng, từng đoàn ô tô tải vào ra tấp nập. Hàng chục tấn sắn, dong củ chất cao ngất ngưởng, xen lẫn với lớp lớp tấm phên phơi miến vàng rộm trên cánh đồng. Tiếng máy nghiền rền vang suốt ngày đêm. Ai cũng tất bật, vội vã lao vào việc để đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường trong những tháng cận Tết.

Dừng tay xếp đống phên phơi miến, anh Nguyễn Danh Lợi vui vẻ nói: “Những tháng giáp Tết, gia đình tôi phải căng sức ra làm từ 5 giờ sáng đến mịt tối mới mong đủ lượng hàng khách yêu cầu. Sang tháng 12, miến bán được giá hơn và lượng hàng sản xuất ra cũng tăng gấp đôi so với những tháng trước”. Đặc biệt, trong những tháng cận Tết, thu nhập trung bình đạt hơn 500.000 đồng/ngày. Anh phải thuê thêm nhân công để hoàn thành các đơn hàng đã ký.

Không chỉ các hộ làm miến dong “tăng tốc” cho vụ Tết, các hộ sản xuất bột sắn, bánh kẹo cũng đẩy mạnh hoạt động. Máy nghiền, máy tách vỏ đỗ tại các gia đình chạy hết công suất. Từ tờ mờ sáng cho đến tối, cả làng nghề ồn ã với tiếng máy và người làm luôn tay, vào ra tấp nập. Theo thống kê mới đây, tổng giá trị sản xuất, kinh doanh của xã liên tục tăng. Năm 2006 đạt 140 tỉ đồng, tăng 15 tỉ đồng so với 2005. Tăng trưởng kinh tế năm 2007 đạt 12%. Thu nhập bình quân đạt 6,4 triệu đồng/người/năm.

Không chỉ vậy, với hơn 1.000 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh, Minh Khai đã tạo ra khối lượng hàng hoá lớn. Ngoài ra, làng nghề còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương và lao động ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Đời sống nhân dân không ngừng tăng cao, bộ mặt nông thôn thay da đổi thịt từng ngày. Số hộ giàu và khá chiếm tới 50%. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui về phát triển kinh tế, một vấn đề khác đang khiến các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương đau đầu, đó là môi trường bị xuống cấp.

Môi trường… tụt dốc

Theo thống kê của UBND xã Minh Khai, năm 2000, toàn xã có 700 – 800 hộ chuyên làm nghề chế biến nông sản. Những năm gần đây, số hộ làm nghề giảm, nhưng quy mô sản xuất và sản lượng lại tăng. Môi trường cũng vì thế mà ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hệ thống cống, rãnh thoát nước tại các ngõ ngách đều có màu đen kịt. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khắp nơi. Một số cống rãnh ùn tắc ken lại dày đặc, tạo ra nhiều đoạn ngập ngụa. Nhiều người dân cho biết, nếu mưa to, tình hình úng ngập cục bộ lại diễn ra, phế thải sản xuất trôi nổi khắp các ngõ xóm. Không ít người dân đã bị mắc bệnh ngoài da.

Ông Đỗ Trung Hải, Chủ tịch UBND xã Minh Khai thừa nhận: “Môi trường, ngày càng xuống cấp nghiêm trọng đang khiến chúng tôi mất ăn, mất ngủ. Hằng ngày, toàn xã thải ra khoảng 2,5 tấn rác công nghiệp và sinh hoạt. Đặc biệt, trong những tháng Tết (từ tháng 10 đến tháng 4), các hộ làm nghề sản xuất tinh bột sắn đẩy ra môi trường lượng bã thải dong riềng cao hơn nhiều lần, bình quân 30m3/hộ/ngày”.

Vài năm trở lại đây, tình hình môi trường nơi đây ngày càng xấu đi, theo ông Hải, nguyên nhân là do máy móc, thiết bị sản xuất còn thô sơ; nguồn nước thải chưa được xử lý mà đổ thẳng ra cống rãnh. Ngoài ra, hệ thống máng tiêu nước chỉ được xây dựng ở khu dân sinh, không được nạo vét, khơi thông thường xuyên nên bùn đất, rác thải bị ứ đọng. Trách nhiệm của các tổ môi trường chưa phát huy đúng mức, ý thức bảo vệ môi trường của các hộ dân chưa cao. Chính vì thế, tình trạng môi trường ô nhiễm trở nên khó kiểm soát.

Mặc dù tình hình môi trường đang ở mức báo động nhưng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tại địa phương vẫn chưa đạt kết quả khả quan. Năm 2000, Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng Trạm xử lý nước thải tại thôn Minh Hoà. Nhưng đến nay, theo quan sát, trung tâm này đang để hoang, cỏ dại mọc um tùm; máy móc xử lý nước thải “đắp chiếu” hơn 3 năm nay, đã có dấu hiệu xuống cấp.

Ông Hải giải thích: “Trạm xử lý nước thải ngừng hoạt động là do không tính toán hết những vấn đề phát sinh. Trạm này được xây dựng gần trường mầm non của xã, khi hoạt động tạo ra mùi hôi thối, khiến thầy cô giáo và các cháu không thể chịu được”. Ngoài ra, vị trí của trạm ở đầu xã, nhưng hệ thống cống rãnh các thôn lại đổ về… cuối xã, vì thế không phát huy được tác dụng.

Ông Hải cho biết thêm, việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương được giao cho các tổ môi trường chuyên thu gom vận chuyển rác ra bãi tập trung, nhưng lại chưa phân loại được rác và cũng chưa có nhà máy chế biến rác tại chỗ. Công tác quản lý môi trường vẫn chỉ dừng ở biện pháp tuyên truyền mà chưa có chế tài xử phạt cụ thể.

Ông Hải thừa nhận: “Đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Môi trường tiếp tục xuống dốc là hậu quả của việc quá chú trọng phát triển kinh tế mà chưa quan tâm thấu đáo đến bảo vệ môi trường. Chỉ e trong thời gian tới, khi có dịch bệnh bùng phát, chúng tôi khó chống đỡ nổi”.