Lộn xộn quản lý, kinh doanh vật liệu xây dựng bãi sông: Bất lực hay buông lỏng quản lý?

ThienNhien.Net – Hoạt động khai thác, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) bừa bãi ở các bãi sông, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn đê, kè mà còn gây ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy. Kỳ lạ là dù cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, đề nghị chính quyền cơ sở xử lý dứt điểm sai phạm, song chưa có chuyển biến đáng kể…

Dọc các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy…, tình trạng tập kết, trung chuyển VLXD ở bãi sông không phép, sai phép diễn ra khá phổ biến, phức tạp.

Vật liệu xây dựng chất cao như núi bên đê tả Hồng (đoạn thuộc địa bàn huyện Đông Anh). (Ảnh: Báo Hànộimới)
Vật liệu xây dựng chất cao như núi bên đê tả Hồng (đoạn thuộc địa bàn huyện Đông Anh). (Ảnh: Báo Hànộimới)

Nhiều bãi tập kết, chất tải VLXD trên diện tích rộng và cao hơn cả mặt đê, làm cản trở dòng chảy ảnh hưởng đến an toàn của đê, kè, bờ sông và ô nhiễm môi trường khu vực. Trên các tuyến đê thuộc địa bàn các huyện Đông Anh, Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ, quận Bắc Từ Liêm… hằng ngày nhiều xe trọng tải lớn chở cát, sỏi từ các bãi tập kết, trung chuyển VLXD tấp nập ngược xuôi khiến mặt đê xuống cấp nghiêm trọng.

Qua kiểm tra tại các phường Liên Mạc, Thượng Cát, Thụy Phương (Bắc Từ Liêm), cơ quan chức năng phát hiện có tới 17 bãi chứa sử dụng đất ven sông không có thủ tục pháp lý về đất đai, trong đó 7 bãi chứa thuộc địa bàn phường Thụy Phương không phù hợp với quy hoạch bãi chứa trung chuyển VLXD của thành phố. Tại huyện Gia Lâm, có 15 bãi chứa thuộc địa bàn các xã Yên Viên, Kim Lan, Trung Mầu và Phù Đổng sử dụng đất ven sông không có thủ tục pháp lý về đất đai. Thậm chí có 7 bãi chứa sử dụng đất tạm giao hàng năm hoặc hợp đồng thuê đất bãi ven sông để sản xuất nông nghiệp ký với UBND xã nhưng bị chuyển mục đích sang làm bãi chứa chung chuyển VLXD. Còn ở huyện Thường Tín, có 7 bãi chứa thuộc các xã Hồng Vân, Ninh Sở không có thủ tục pháp lý về đất đai; tương tự huyện Phú Xuyên có 2 bãi chứa không phép tại thị trấn Phú Minh và xã Khai Thái… Cơ quan chức năng còn phát hiện, số lượng lớn cát đen tại các bãi chứa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Khi phát hiện vi phạm nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời lập biên bản và đề nghị chính quyền cấp xã xử lý, giải tỏa dứt điểm. Cơ quan chức năng đã nhiều lần lập biên bản, đình chỉ, đồng thời đôn đốc chính quyền cấp huyện, cấp xã xử lý nghiêm sai phạm, song do thái độ thờ ơ, né tránh, ngại va chạm, thậm chí là thiếu trách nhiệm của một số chính quyền cơ sở nên đâu vẫn hoàn đó. Tại bãi chứa thuộc xã Hồng Vân và Ninh Sở (Thường Tín), khi phát sinh vi phạm, Hạt Quản lý đê Thường Tín đã kịp thời lập biên bản, ra quyết định tạm đình chỉ và yêu cầu giải tỏa dứt điểm từ đầu tháng 10-2014, đồng thời, chuyển hồ sơ đến chính quyền địa phương để xử lý theo thẩm quyền, song đến nay vẫn hoạt động. Đáng nói là UBND hai xã này còn chưa ban hành văn bản chỉ đạo, xử lý hành vi vi phạm về lĩnh vực đất đai, đê điều đối với các cơ sở vi phạm.

Để tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công, bảo đảm đúng mục đích, quy hoạch, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định của pháp luật hành vi lấn chiếm, mua bán, hủy hoại, chuyển mục đích sử dụng đất, tại Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14-1-2014, UBND thành phố chỉ đạo: “Đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục”. Tinh thần kiên quyết ấy phải được các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc hơn trong thời gian tới.