Lâm Đồng: Tài nguyên nước suy thoái

Chuyện khiếu nại nhiều lần của người dân sống xung quanh những nhà máy gây ô nhiễm nguồn nước ở Lâm Đồng không còn là chuyện hiếm. Nhưng trên thực tế, tài nguyên nước của Lâm Đồng cũng đã bắt đầu suy thoái và điều này đang đặt những nhà bảo vệ môi trường trước một thách thức cần giải quyết.

Tính trung bình, mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng thải vào hệ thống nước thải chung của thành phố Đà Lạt trên 10m3 nước thải chưa qua xử lý, trong đó có khoảng 5% mang mầm bệnh, gây nguy cơ xấu tới sức khỏe của cộng đồng.

Tại Hồ Xuân Hương, nước nguồn sẽ xử lý phục vụ một phần dân cư thành phố Đà Lạt, sau mỗi trận mưa là rác thải từ thượng nguồn trôi xuống, tràn ngập mặt hồ, rồi phân hủy khiến nhiều loại tảo gây hại phát sinh. Không những thế, việc người dân phía thượng nguồn vứt chai lọ, bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật xuống suối khiến hàm lượng các chất hóa học trong nước tăng cao, việc xử lý nước phục vụ sinh hoạt cũng khó khăn hơn.

Nhiều hệ thống nước tự chảy phục vụ các khu tái định cư của người dân vùng sâu, vùng xa bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến bà con sợ không dám sử dụng, gây lãng phí và khó khăn cho đời sống nhân dân.

Việc ô nhiễm nguồn nước, cả nước mặt và nước ngầm tại Lâm Đồng dù chưa ở mức nặng nề song cũng cần báo động. Ông Lương Văn Ngự – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Từ năm 2003 tới nay, ngành môi trường đều có làm quan trắc khoảng một năm 2 lần vào mùa khô và mùa mưa. Kết quả cho thấy những nơi tập trung sản xuất và đông dân cư đã xuất hiện ô nhiễm ở mức báo động, càng ngày càng nặng nề hơn, như khu vực Bồng Lai (Đức Trọng), thị trấn Di Linh, thị xã Bảo Lộc, Đạ Huoai và nhất là ven quốc lộ 20”.

Thêm vào đó, chất thải chăn nuôi, xử lý rác thải trong sinh hoạt, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn rất thô sơ nên gây nguy hiểm cho nguồn nước ngầm. Theo khảo sát của Sở TN&MT, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc có gốc vô cơ, tăng 3-4 lần so với năm 2000 (từ 600-800 tấn) khiến ô nhiễm đất, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước ngầm nghiêm trọng. Tại Đam Rông, Đơn Dương, Đạ Tẻh, Cát Tiên, hàm lượng Asen trong nước vượt mức cho phép của Bộ Y tế.

Không kể việc ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cư dân địa phương, nông dân Lâm Đồng thường sử dụng nước mặt, nước ngầm vào sản xuất nông nghiệp nên nông phẩm cũng bị ảnh hưởng đến chất lượng dẫn đến khó tiêu thụ trên thị trường quốc tế vì gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Do đó, từ năm 2006 trở lại đây, vấn đề môi trường và đánh giá những tác động tới môi trường đã trở thành một trong những hoạt động lớn của toàn tỉnh. Mỗi năm, Lâm Đồng đầu tư khoảng 22-25 tỷ cho việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bảo vệ môi trường không chỉ là việc của một nhà, một ngành mà cần trở thành hoạt động chung của toàn xã hội. Chỉ khi người dân ý thức được bảo vệ môi trường nước cũng là bảo vệ chính cuộc sống của họ, khi đó việc cải thiện môi trường của cơ quan chức năng mới có kết quả khả quan.