Hà Nội: Bất lực trước nạn đổ trộm phế thải

Từ lâu nay, trên địa bàn thành phố, nạn đổ trộm phế thải xây dựng bừa bãi ra đường đã ở vào tình trạng báo động. Nhân dân bất bình phản ánh, nhưng trách nhiệm vẫn không thuộc cơ quan nào?

Phế thải rải khắp nơi

Với tốc độ đô thị hoá hiện nay, nhu cầu đổ đất, phế thải từ các công trình rất lớn. Điều đáng nói là để tiết kiệm thời gian, không ít lái xe cố tình đổ trộm phế thải bừa bãi ra một số khu vực trong nội thành gây mất vệ sinh môi trường, làm cản trở an toàn giao thông.

Tại khu vực đường Phạm Hùng – Mỹ Đình, đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, trên các nhánh đường đi vào khu đô thị đang xây dựng chỗ nào cũng thấy tràn ngập những đống phế thải, do khu vực này có nhiều khoảng đất trống, ít dân cư. Vậy là những cung đường vừa được Nhà nước đầu tư tiền tỉ để xây dựng đã phải nằm chôn mình dưới núi phế thải.

Không chỉ có những nơi vắng dân cư, tại những khu vực có đông dân ở, nạn đổ trộm phế thải vẫn cứ hoành hành. Điển hình như đoạn cầu T11 đường Đông Quan, đường Bưởi, Thụy Khuê, Vũ Thạnh, Hào Nam, cầu Đông Tác… Theo người dân tại đường Bưởi cho hay, đêm nào cũng thế, cứ đến 2-3 giờ sáng họ lại nghe thấy tiếng xe ôtô không biết từ đâu chạy ầm ầm đến, rồi những tiếng đổ ào như xé màn đêm.

Cầu Đông Tác vốn có mật độ phương tiện qua lại đông, hay xảy ra ùn tắc. Thế nhưng ngày nào phế thải xây dựng cũng ngập nửa cầu càng khiến cho giao thông đi lại thêm khó khăn. Đáng nói là, chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, khiến sự việc vẫn tiếp diễn.

Khó trong việc kiểm tra, xử lý

Các đối tượng vi phạm thường lợi dụng ban đêm để hoạt động. Nếu thấy bóng dáng của lực lượng kiểm tra, chúng cho xe chạy lòng vòng, hoặc nằm im. Chờ không còn động tĩnh gì thì hành động. Trong khi đó, hiện nay cơ quan chức năng lực lượng mỏng, không đủ sức bao quát nên khó đối phó và thường bị động. Bên cạnh đó, chế tài xử lý vẫn còn nhẹ chưa đủ sức răn đe những trường hợp vi phạm. Tại khoản 4, điều 27 Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 có quy định hành vi đổ phế thải xuống lòng đường, hè phố chỉ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng và bị giữ phương tiện 10 ngày.

Tại điều 8 QĐ 3093/QĐ-UB quy định hành vi đổ rác, phế thải trong quá trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ và xây dựng không đúng nơi quy định (vỉa hè, lòng đường đô thị…) bị xử phạt với mức 200 – 500 nghìn đồng. Chế tài xử phạt thì có, nhưng ai phạt, phạt ai? Đó là câu hỏi mà người dân Hà Nội cần sớm có câu trả lời từ các cơ quan chức năng?