Biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng tại Hà Tĩnh

ThienNhien.Net – Ngày 09/12/2008, Tổ chức hành động cứu trợ ActionAid và Trung tâm phát triển Nông thôn (RUDEC) đã phối hợp ra mắt bản báo cáo “Biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng: Nghiên cứu tình huống tại Hà Tĩnh” (nguyên bản tiếng Anh).

Bản báo cáo cho biết nhiều hiện tượng thay đổi bất thường khí hậu đã được ghi nhận Hà Tĩnh như bão lụt, nắng nóng, nước biển dâng cao. Người dân địa phương và các cơ quan chức năng xác nhận rằng thời tiết những năm qua diễn biến bất thường, phức tạp, không theo qui luật trước đây nên khó dự đoán. Nhiệt độ thay đổi, so với trước đây mùa hè nắng nóng hơn, nhất là các đợt nắng nóng thường kéo dài hơn và có cường độ nóng cao hơn (có khi nhiệt độ lên tới 420C).

Trước đây, bão lụt thường xảy ra vào các tháng 9-11. Hiện nay mùa bão từ tháng 8-12. Lũ diễn ra với cường suất ngày càng cao, đỉnh lũ cao hơn, dòng chảy mạnh hơn. Mực nước biến dâng: mực nước triều cường hiện nay cao hơn từ 10-20 cm so với hơn 10 năm trước đây (Lộc Hà), nước mặn lấn vào sông thêm 10 km.

Các biến đổi thất thường này đã gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên làm chết cây trồng, giảm năng suất, tăng chi phí sản xuất, phá vỡ cơ sở hạ tầng sản xuất, môi trường bị phá hủy, người chết,…

Lũ lụt làm cho người dân miền núi không gieo cấy được vụ lúa mùa. Vụ hè thu bấp bênh, dễ mất mùa. Khi mất mùa vụ hè thu, khả năng tự đáp ứng lương thực của người dân giảm đi 12%.

Báo cáo cũng cho biết thu nhập từ vụ hè thu và vụ đông đóng góp đến 25-30 nhu cầu lương thực của hộ nên nếu bị mất mùa họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để đối phó với các biến đổi khí hậu, chính quyền có được chính sách đối phó và thích ứng. Các chính sách này gắn với việc xây dựng các công trình nhằm ngăn chặn và giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai như xây đập, trồng rừng đầu nguồn, xây đê biển, tuyên truyền cho người dân, điều chỉnh hệ thống sản xuất nông nghiệp và có kế hoạch đối phó hàng năm.

Còn các hộ nông dân cũng đã có những biện pháp, từ điều chỉnh phương thức sinh hoạt đến các hoạt động sản xuất, chẳng hạn như điều chỉnh hệ thống cây trồng, thời vụ và dùng giống ngắn ngày; áp dụng công nghệ rút ngắn thời gian cây trồng; thu hoạch chăn nuôi trước mùa lũ, chuẩn bị thuyền khi có lũ, dự trữ nước sạch và bịt miệng giếng trước lũ…

Tuy nhiên, báo cáo nhận định rằng, người dân vẫn cần được hỗ trợ để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là cho các hoạt động sản xuất.