Thu phí dịch vụ môi trường rừng: Bước đột phá

Theo ông Nguyễn Tuấn Phú, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ (VPCP), Việt Nam bắt đầu khởi động chương trình thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng lưu vực sông Đồng Nai. Đề xuất sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ trong quý IV-2007.

Phù hợp với quy luật kinh tế

Môi trường rừng là sản phẩm do rừng tạo ra, gồm: nguồn nước, dự trữ sinh quyển, bảo vệ, cải tạo đất… Chi trả dịch vụ môi trường rừng là hoạt động kinh tế giữa người sản xuất cung ứng dịch vụ môi trường (người bán) cho người hưởng thụ dịch vụ môi trường rừng (người mua).

Người lao động trong ngành Lâm nghiệp với tư cách là người sản xuất ra môi trường rừng có quyền bán cho xã hội sản phẩm lao động của mình (môi trường rừng) để có thu nhập và có đời sống như những người lao động trong các ngành kinh tế khác. Đồng thời, mọi thành viên trong xã hội (người hưởng lợi) khi thụ hưởng môi trường rừng có nghĩa vụ và trách nhiệm chi trả bù đắp cho người lao động lâm nghiệp.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng là hoạt động kinh tế phù hợp với quy luật của nền kinh tế sản xuất hàng hóa, bảo đảm sự công bằng về quyền lợi trong sản xuất, kinh doanh của ngành Lâm nghiệp với các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân. Nước ta có gần 19 triệu hécta rừng và đất rừng, chiếm 2/3 lãnh thổ, ngành Lâm nghiệp sẽ có một khối tài sản khổng lồ về giá trị của rừng nói chung, giá trị dịch vụ môi trường rừng nói riêng. Nếu biết tổ chức, quản lý và kinh doanh tốt sẽ cho thu nhập siêu lợi nhuận hằng năm. Và rừng thực sự là “vàng” như Bác Hồ đã đánh giá cách đây 50 năm.

Với cơ chế “chia sẻ lợi ích” giữa người trồng và giữ rừng với người hưởng lợi từ rừng, toàn xã hội đứng ra giữ rừng và kinh doanh rừng (xã hội hóa nghề rừng). Việc chia sẻ lợi ích này sẽ được điều tiết thông qua thuế và lệ phí (như phí tham quan du lịch sinh thái…).

Giúp nâng cao ý thức bảo vệ rừng

Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị định 143/2003/CP “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi”. Trong điều 19 ghi rõ: “Sử dụng nước từ công trình thủy lợi để phát điện” thì thuế tài nguyên nước được tính 8-12% trên tổng giá trị sản lượng điện thương phẩm. Đây có thể được coi là một bước đột phá trong việc “chia sẻ lợi ích” giữa người tạo ra nguồn lợi và người hưởng lợi. Thực hiện Nghị định 143, hằng năm Công ty Thủy điện Hòa Bình (trước đây là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình) nộp vào ngân sách của 2 tỉnh Hòa Bình và Sơn La không dưới 50 tỷ đồng.

Đáng lẽ số tiền này phải được hạch toán chi trả đầy đủ cho chủ rừng để quản lý bảo vệ rừng đầu nguồn sông Đà, mà trước hết là chi trả trực tiếp cho người dân làm rừng, nhất là người dân sống ở đầu nguồn để bảo đảm được cuộc sống tối thiểu của họ. Nhưng, qua theo dõi, số tiền trên chỉ được trích khoảng 20% cho các dự án trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn sông Đà.

Khi cuộc sống người dân giữ rừng không bảo đảm, họ buộc phải “chặt, đốt, chọc, trỉa”. Qua khảo sát dọc lưu vực thượng nguồn Sông Đà, kể cả rừng được phân loại là “rất xung yếu”, nhưng từ mép nước cho đến tận đỉnh núi lại “trọc lóc”. Đúng là “cây ngô đánh đổ cây rừng”, cũng có màu xanh, nhưng là màu xanh mùa vụ của ngô! Đó chính là nguyên nhân gây ra các trận lũ ống, lũ quét và sạt lở bờ sông, bờ suối và cả hạn hán…

Được biết, ở Nhật Bản để làm cơ sở thu phí dịch vụ môi trường rừng, họ đã lượng hóa được giá trị dịch vụ môi trường của rừng. Theo tính toán của họ, giá trị gỗ lâm sản hàng hóa chỉ bằng 1,79% trên tổng giá trị dịch vụ môi trường của rừng. Cụ thể, 5,6 tỷ USD/316,6 tỷ USD (giá trị gỗ lâm sản hàng hóa/tổng giá trị dịch vụ môi trường của rừng).

Thu phí chi trả dịch vụ môi trường rừng là một bước đột phá trong nỗ lực giữ rừng của Chính phủ Việt Nam. Việc phải chi trả cho những gì mà mình đang được hưởng sẽ giúp người dân cũng như các ngành liên quan ý thức được những gì mình đang được hưởng từ rừng để cùng tham gia bảo vệ rừng.