Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu

ThienNhien.Net – Sáng 28/11 tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã công bố Báo cáo Phát triển con người 2007-2008 ở 100 nước trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Với chủ đề “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách”, đây là dịp để thảo luận các vấn đề biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, khu vực và từng quốc gia.

Báo cáo được xây dựng dựa trên Báo cáo tổng hợp của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), đề ra lộ trình cho các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu diễn ra tại Bali (Inđônêxia) sắp tới.

Theo đó, nếu nhiệt độ trái đất tăng hơn 2°C, mực nước biển dâng 1m thì có thể làm tan biến những núi băng ở Himalaya vốn là nguồn cung cấp nước và lương thực cho hơn hai tỷ người, các rạn san hô ở Inđônêxiasẽ bị tan vỡ, các quốc đảo nhỏ như Phigi, Samoa và Vanuatu sẽ bị thiệt hại hàng năm lên tới 7% GDP, một số quốc gia có thể mất đi hoàn toàn.

Riêng Việt Nam, 22 triệu người phải di dời, khoảng 1/5 dân số sẽ mất nhà và 45% diện tích đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long bị phá hủy. Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Về chỉ số phát triển con người, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước ở hạng trung bình dù đã tăng 4 bậc so với năm ngoái, từ vị trí 109 lên vị trí 105. Dẫn đầu nhóm các nước có chỉ số phát triển cao là Iceland và Nauy. Các nước có chỉ số phát triển con người thấp nhất tập trung ở khu vực châu Phi.

Báo cáo cũng cho rằng, hàm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển đang cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong suốt hơn 600 năm qua. Đây là nguyên nhân khiến các tảng băng ở Bắc cực tan nhanh, mực nước biển dâng lên. Với tốc độ như hiện nay, trong vòng 100 năm nữa, nhiều diện tích đất liền trên trái đất, trong đó có vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng có thể sẽ ngập chìm trong nước biển.

Qua đó, các nước giàu phải đi đầu trong việc cắt giảm lượng Các-bon phát thải để ngăn chặn sự thụt lùi nghiêm trọng trong lĩnh vực y tế, giáo dục và xóa đói giảm nghèo. Các nước phát triển cũng nên áp dụng cơ chế mới trong việc chuyển giao công nghệ năng lượng sạch cho các nước đang phát triển, đồng thời đưa ra các biện pháp khuyến khích để những nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ làm theo.

Phát biểu tại lễ công bố Báo cáo ở Hà Nội, ông John Hendra, điều phối viên thường trú Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, nói: “Chúng ta đã thấy rõ hệ quả của việc tăng nhiệt độ ở Việt Nam. Bão lụt ngày càng diễn biến phức tạp, triều cường đang đạt mức đỉnh trong vòng 50 năm qua, gây thiệt hại nhiều tại các tỉnh duyên hải và Nam bộ. Việt Nam là một nước dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi khí hậu vì có 1 bờ biển dài. Đồng thời, Việt Nam cũng là nước có cơ hội và ảnh hưởng đến các quyết định quốc tế, nhất là tại Hội nghị toàn cầu sắp tới của LHQ ở Bali về biến đổi khí hậu”.

Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam cũng đưa ra 5 thông điệp nhấn mạnh biến đổi khí hậu là có thực và đang tác động tới sự phát triển của con người. Điều đáng chú ý là tác động của biến đổi khí hậu lại nghiêm trọng hơn đối với người nghèo, với những cộng đồng dễ bị tổn thương và các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Cũng theo bà Setsuko Yamazaki, lũ lụt, bão sẽ nhiều hơn cùng những tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống của người dân.

Báo cáo phát triển con người năm 2007- 2008 là bản báo cáo đầy đủ nhất về biến đổi khí hậu – thách thức mà loài người đang đối mặt. Nó đã chỉ ra những nguy cơ của tình trạng biến đổi khí hậu đang gia tăng hiện nay đối với sự phát triển của con người. Đồng thời, đề xuất những khuyến nghị rất cụ thể để giảm thiểu biến đổi khí hậu cho các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Tham dự lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Công Thành phát biểu: “Cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, ngăn ngừa những tác động có hại của nó là một cuộc chiến đấu chung, đòi hỏi mọi người, mọi quốc gia phải chung tay góp sức. Ý thức được là một trong những nước chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã sớm tham gia, phê chuẩn và thực hiện Công ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu, trong đó Nghị định thư Kyoto của công ước nhằm góp phần tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Ông cũng cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu, trên cơ sở đó sẽ xây dựng Chiến lược quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu.