Nỗi lo lương thực toàn cầu

Chương trình lương thực toàn cầu của Liên Hợp Quốc (WFP) cho biết giá lương thực thế giới đã tăng hơn 50% trong vòng 5 năm qua và có thể còn lên hơn 35% trong hai năm tới.

Những người nghèo, dễ bị tổn thương nhất thế giới hiện đang phải chi tới 60% thu nhập vào lương thực nhưng họ vẫn đang bị thiếu đói và cần thức ăn. Theo bà Josette Sheeran -người đứng đầu WFP, đây là một sự cảnh báo đáng lo ngại vì khi giá lúa mì, gạo, ngô… và nhóm hàng hóa lương thực cơ bản của thế giới đồng loạt tăng giá thì những người nghèo nhất thế giới hầu như không có khả năng lo được nồi cơm cho cuộc sống hàng ngày.

Còn Abdolreza Abbassian – Thư ký của nhóm đa quốc gia về hạt lương thực của Chương trình lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho rằng, vấn đề khó khăn là khâu phân phối thực hiện kém và bất bình đẳng.

Nỗi lo lớn dần

Với các quốc gia lớn, đông dân như Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước khác thì nhu cầu về lúa mì, gạo đang tăng mạnh thường xuyên. Bên cạnh đó ngành công nghiệp năng lượng sinh học cũng tiêu thụ một lượng lớn, ngày càng nhiều các cây lượng thực như ngô và mía đường.

Ngoài ra, thế giới thường xuyên xảy ra các trận lũ lụt và nạn hạn hán, phá hủy mùa màng ở các quốc gia như Anh, Australia. Tất cả khiến cho năm 2007, lương thực đang trở thành vấn đề nóng với tất cả các quốc gia. Nỗi lo lắng về giá lương thực thậm chí còn vượt xa biên giới các nước nghèo, lan tỏa đến cả các quốc gia vốn có tiếng là giàu có.

Tháng trước, người dân Italia đã xuống đường biểu tình tại Roma và Milan để phản đối sự tăng giá của mì sợi. Số liệu thống kê cho thấy người dân Italia đang ăn ít lương thực: lượng mì sợi và bánh mì tiêu thụ ở Italia đã giảm 7,4%, sữa giảm 2,6% trong tám tháng đầu năm 2007.

Những cố gắng tìm ra các giải pháp đối phó với nỗi lo lương thực đang trở nên phức tạp vì sự tác động của chính trị. Tháng 10/2007, Chính phủ Nga đã tuyên bố kiểm soát giá lương thực trên thị trường và phe đối lập cho rằng đó là cách để giành được thiện cảm của người dân trong cuộc bỏ phiếu quốc hội vào cuối năm.

Những nước khác có cách tác động theo cách riêng đối với giá lương thực như dùng biện pháp về thuế đánh vào lúa mì, gạo… Những cố gắng để giảm vấn đề căng thẳng liên quan đến lương thực đã chỉ ra rằng chính phủ các nước không nên dùng lương thực để làm ra năng lượng sinh học thay thế cho dầu mỏ. Jean Ziegler, chuyên gia Liên Hợp Quốc về lương thực đã khuyến cáo các nước nên dùng lương thực vào đúng mục đích bản chất là nuôi sống con người thay vì làm năng lượng vì đó là sự chống lại loài người. Ông đề nghị thế giới tạm ngừng, trì hoãn việc sản xuất năng lượng sinh học trong vòng 5 năm dành lương thực cho nhân loại.

Việt Nam – lợi nhuận hay an ninh lương thực?

Thiếu hụt lương thực là một vấn đề đáng quan tâm của Việt Nam. Có xuất khẩu nốt các hợp đồng gạo đã ký hay không là bài toán khó với doanh nghiệp khi mà giá gạo nhập vào đang ở mức cao. Chưa kể năm 2007, thiên tai xảy ra nhiều khiến cho tương lai của giá gạo còn nhiều tiềm năng tăng tiếp tục. Ấn Độ đã ngừng xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước vì thế Việt Nam cũng đang tính toán cách làm cho phù hợp.

Trong hạn ngạch 4,5 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2007, các DN Việt Nam đã xuất được 4,2 triệu tấn nhưng giờ đây sau khi xuất khẩu nốt 0,3 triệu tấn thì việc có xin thêm hạn ngạch xuất khẩu là bài toán khó.

Theo các chuyên gia thế giới, giá lương thực toàn cầu sẽ còn tăng trong một đến hai năm nữa, cùng lúc đó thế giới phải chấp nhận thực tế là thiếu lương thực. Chương trình lương thực thế giới – WFP sẽ chiến đấu để mang lại sự ổn định cho vấn đề an ninh lương thực toàn cầu và quan tâm đến vấn đề thay đổi khí hậu của thế giới.

WFP cũng sẽ xem xét đến sự tăng dân số rất nhanh của thế giới và vấn đề suy giảm những khoản trợ giúp của các nước giàu với quốc gia nghèo tuy nhiên trong khi người giàu khó giảm cân để đỡ béo thì người nghèo và người đói kém tiếp tục chạy ăn từng bữa.