Làng… rác

Người dân làng Khoai, Hưng Yên, có nghề tái chế rác thải, góp phần cải thiện đời sống. Nhưng hoạt động tái chế này đã gây những tác động xấu đến môi trường sống.

Làng Khoai tên thật là làng Minh Khai thuộc thị trấn Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên. Cái tên “làng Khoai” nghèo khó ấy vốn được hình thành từ tên gốc làng Minh Khai. Giờ thì làng Khoai đã khác lắm. Người dân không còn phải chịu cảnh ăn khoai trừ bữa, hạt cơm chỉ đủ bám vào củ khoai trong muôn nỗi lo toan như trước.

Làng Khoai ngày nay tiếng máy chạy phè phè, tiếng động cơ nổ bành bành, tiếng người dân í ới gọi nhau, tiếng bàn tán trong những vụ làm ăn lớn, nghe chộn rộn và tất bật lắm. Làng Khoai đã thay da đổi thịt, nhưng đằng sau cái vẻ trù phú mới nổi ấy là những nỗi niềm mà chỉ có ai đã từng đến đây mới hiểu được.

Những tỷ phú… rác

Về thị trấn Như Quỳnh, thấy khét lẹt một mùi rác và khói của những cơ sở sản xuất, tái chế đồ nhựa từ rác thải ra. Những người bán hàng bảo rằng, họ đã quá quen thuộc nên giờ mũi cũng thành ra điếc, chỉ có người từ nơi xa đến là ngửi thấy mùi lạ và cảm thấy khó chịu thôi. Nhưng rõ ràng, thấy những người bán hàng này bịt kín khăn tối ngày, thì với mùi nắng, gió và mùi xăng dầu của xe cộ… dường như đã pha tạp cả vào nhau, làm sao họ còn ngửi thấy được mùi gì nữa.

Những người dân nơi đây suốt ngày chỉ hí húi với rác là rác, thế mà giàu lên. Một điều quả lạ lùng. Nhưng đó là sự thật. Từ xa, người ta có thể nhận ra làng Khoai (làng Minh Khai) bởi cái mùi khen khét đặc trưng của nhựa và rác thải. Những tòa nhà cao tầng lún ngún mọc lên, những chiếc xe hơi đời mới đã bon bon chạy khắp đường làng trong tiếng máy nổ vang vang. Một ngôi làng nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, cách quốc lộ 5 chừng một km, nhưng đoạn đường nối từng làng đến quốc lộ 5 đã dần được “lấp đầy” bởi nhà cao tầng và…rác.

Cho nên, giờ về đây, hỏi làng Khoai hay làng Minh Khai thì ít người biết, những hỏi “làng rác” thì không ai là không biết. Khắp các ngõ xóm, đầu làng, sân trường, gốc cây, chỉ toàn rác là rác. Ấy vậy mà rác đã làm cho đời sống kinh tế ở đây phát triển nhanh chóng. Ngõ, sân nhà nào cũng chứa đầy rác và những cỗ máy để tái chế rác thải thành những sản phẩm mới, xuất đi khắp nước và sang cả Trung Quốc, đem lại thu nhập cao cho người dân.

“Ðây là thủ đô của rác thải” – cụ Ðinh Văn Tri khẳng định. Theo cụ, nếu Minh Khai không có nghề tái chế rác thải thì đâu có thể mơ màng được những ngôi nhà cao to kia, mua được những chiếc ô-tô đắt tiền, chiếc thì chở hàng, chiếc thì để đi quan hệ, đi chơi.

Cụ Tri nói: Trước đây làng Khoai đói khổ, đi thu mua phế thải về rồi lại bán đi, kiếm mỗi ngày dăm bảy nghìn đến vài chục nghìn. Những bãi rác lớn ở Hà Nội hay Hải Phòng, hoặc ở Bắc Ninh, Bắc Giang đều được họ “tiếp cận” để kiếm chút lời. Mãi đến năm 1999, chỉ một vài nhà nhập được thiết bị, tái chế thành những sợi dây. Rồi người ta cứ tìm ra công nghệ từ những nơi khác, thế là học nhau, thành làng nghề.

“Cũng rất nhiều người chỉ biết sơ chế” – Anh Thuân, chủ cơ sở sản xuất Thuân Phương nói – “hoặc dùng chính đôi bàn tay của mình để phân loại, rửa ráy những loại chai, can nhựa thôi. Sau đó, nhập được thiết bị xay nghiền, máy cắt thì mới sản xuất được bao bì, dây buộc, hạt nhựa…”

Mỗi ngày có hàng trăm tấn rác đổ bộ về làng Khoai bằng những chiếc xe tải cục mịch, chất đống đó, rồi chẳng bao lâu, chúng được tái chế, thành những sản phẩm đẹp, lại được chất lên những chiếc xe mới hơn, đẹp hơn, mang đi những nơi khác.

Anh Thân, chủ cơ sở sản xuất Thân Dần là một trong số những người năng động của làng. Anh từng có “thâm niên” gom rác rồi lựa chọn, đem đi bán và trở thành khá giả. Nhưng chẳng bao lâu sau, do có không ít gia đình khác dày vốn hơn, làm ăn lớn hơn, nên họ đã nhanh chóng giàu hơn nhà anh.

Họ là những người tiên phong “biến” làng Khoai trở thành “làng đại gia” – “làng rác”. Ðể rồi đến ngày nay, các cơ sở như Tiến Ðạt, Thuân Phương, Tuấn Dương, Huy Hoàng… đã trở thành những thương hiệu có tiếng. Giờ thì hầu như cả làng đều làm nghề này. Số còn lại cũng tham gia buôn bán, rồi làm các dịch vụ khác. Người ta giàu lên trông thấy, mua ô-tô, chạy rầm rầm đường làng. Những người bình thường nhất thì cũng có của ăn của để.

Ông Ðinh Văn Hoát, trưởng làng Khoai cũng thừa nhận làng đã có khá nhiều “đại gia”. Họ còn nhập cả thiết bị cao cấp để sản xuất những mặt hàng cao cấp nữa. “Người ta còn có tham vọng mở khu công nghiệp làng nữa đấy!” – ông Hoát tiết lộ.

Công thức để sản xuất ra hạt nhựa PP từ rác thì hầu như ai cũng nắm được. Ngay cả những đứa trẻ con ở làng Khoai cũng thuộc lòng công thức ấy. Dần dần, người dân cứ bám lấy cái nghề đang kiếm ra tiền này, thành ra lơ là việc học hành của con cái. Ðó là hệ quả của rất nhiều làng nghề trên đất nước ta hiện nay. Chuyện bỏ học sớm để theo người lớn đi kiếm tiền đã xảy ra khá phổ biến. Tình trạng lười học đã được một số thầy cô báo động. Không rõ người dân có lưu tâm đến chuyện này?

Nỗi lo bệnh tật

Chứng kiến những sinh hoạt hằng ngày của dân làng Khoai với tốc độ chóng mặt. Ðầu làng là một bãi rác lớn, có những bao tải chất lên ngồn ngộn được những chiếc xe tải kềnh càng chở về. Rồi chúng được chia ra, mang vào mỗi gia đình. Từ sáng đến tận đêm khuya, làng Khoai không ngớt tiếng máy vận hành, bụi bay mù mịt, mùi khét lẹt bốc lên khiến ai đến đây đều không khỏi đau đầu, chóng mặt.

Từ con kênh ngoài đầu làng, đi vào ngõ nhỏ, cuối chợ đầu chợ, chỗ nào cũng thấy những rác là rác. Người dân làm trên rác, ăn trên rác, rồi có nguy cơ chết vì rác. Ðó là lời cảnh báo của một bà già đã chống gậy. Có lẽ không ít người đã đánh giá được tác hại của nghề này. Nhưng bởi đó là một nghề cho thu nhập cao, nên để thoát nghèo, không có gì cưỡng lại được là việc họ phải tiếp tục.

Bản thân những người dân ở đây cũng phải công nhận là ngôi làng này quá bẩn, quá ô nhiễm. Nếu không tìm ra cách hợp lý để giải quyết ô nhiễm thì e rằng làng nghề sẽ không tồn tại được lâu. Làng Khoai không phải là ngôi làng có diện tích lớn. Hầu như chưa có cơ sở sản xuất nào có một cái xưởng cho đúng nghĩa. Hầu hết người dân làm nghề chế biến rác thải ở đây đều dựng xưởng ngay trên sân nhà. Cột dựng lên, lợp tấm “bờ-lô” lên và đặt máy vào là xong. Tất cả công việc đều diễn ra ở cái “sân lợp” ấy. Không nói gì đến mùi mẽ, bụi bặm, mà chỉ tiếng ồn thôi đã khiến cho mỗi gia đình cảm giác khó chịu rồi.

Một số công nhân đến từ những làng khác, làm thuê cho người làng Khoai nói rằng, họ rất muốn đi tìm một công việc khác để khỏi phải làm cái việc độc hại đến thân thể này. Nhưng bởi vì lương ở đây họ cũng được trả từ một đến 1,2 triệu đồng/tháng, như thế là đủ để trang trải cho cuộc sống tạm thời, công việc nào khá hơn mà được trả lương như vậy?

Trường hợp của Nhung là một thí dụ. Mỗi ngày, cô phải làm việc chừng tám đến chín giờ. Ngày nào cũng như ngày nào, cô phải phân loại rác mầu nào ra mầu ấy, rồi cạy nắp chai nhựa, rửa ráy cho sạch. Khi đứng lên, bao giờ cô cũng thấy choáng váng. Cô là người ở thôn khác đến đây làm thuê, so với công việc làm may ở nhà máy trước đây thì lương có khá hơn, nhưng vất vả hơn nhiều. Cô tâm sự: “Có lẽ, em sẽ lại trở về công việc cũ là làm may ở công ty thôi”.

Với tình trạng ô nhiễm như thế, bệnh tật đã gõ cửa làng Khoai rồi. Vừa qua, một cơ quan y tế đã thống kê được rằng hơn 40% dân bị mắc bệnh về đường hô hấp, hơn 30% bị giảm thính lực, thị lực. Tất cả các ao chuôm trong làng đều ô nhiễm, nguồn nước mà họ hút từ lòng đất lên cũng nguy cơ như vậy. Mỗi năm làng lại có vài ca tử vong vì bệnh ung thư, còn rất nhiều người đã và đang phải chạy chữa vì bệnh tật.

Chúng ta từng nghe nói nhiều đến những “làng ung thư” đặc biệt là làng ung thư ở Phú Thọ. Làng Khoai cũng nguy cơ như vậy bởi người dân ngày ngày vẫn sống trên những chất độc hại, hít thở không khí độc hại và dùng nguồn nước bị ô nhiễm. Ðã có người dân thốt lên rằng: “Giàu thì giàu thật, nhưng tất cả đều đứng trước nỗi lo bệnh tật hoành hành. Phải làm cái gì đó đi thôi”.

Dân làng đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng rất khó để tìm ra giải pháp cho làng nghề độc hại này, bởi khói và tiếng ồn cùng sự ô nhiễm từ rác thì làm sao tránh khỏi. Cho nên, chính các tỷ phú của làng cũng đang lo lắng vì chưa tìm được lối thoát cho an toàn.

Đi một vòng trong làng, rẽ vào cả những con ngõ nhỏ và tận mắt thấy được người dân làm giàu thế nào. Ngã ba làng, có một cái chợ nhỏ bán lặt vặt vài thứ dùng cho sinh hoạt hằng ngày, hàng thịt, hàng rau, hàng quà… Một vài đứa trẻ ngồi đó, tay trống cằm, thản nhiên như không hề nghe thấy tiếng máy chạy ầm ào. Khuôn mặt của chúng ngơ ngác, hồn nhiên, rồi tương lai của chúng sẽ về đâu, nếu không được hưởng một sự giáo dục đầy đủ ở trường, và bệnh tật rình rập phía trước?

Hãy dành cho trẻ em tất cả những gì tốt đẹp nhất. Ai cũng biết vậy. Nhưng phải bắt đầu từ đâu và bằng cách nào đây? Tạm biệt làng Minh Khai – làng Khoai trong nỗi lo đến ám ảnh của một làng rác đang khấm khá lên trước những cảnh báo hết sức nguy hại cho sức khỏe cộng đồng và tương lai con trẻ. Trời vẫn nắng như đổ lửa, mà bàn tay người công nhân thì chưa chịu nghỉ ngơi…