Đưa lâm nghiệp ra khỏi rừng

ThienNhien.Net – Chấm dứt nạn phá rừng là một mục tiêu chính trị trong hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ qua. Song, cũng như mơ ước về hòa bình cho toàn thế giới và xóa đói nghèo toàn cầu, đây vẫn là một tham vọng chưa được thỏa nguyện. Nhận thức về rừng như một kho chứa carbon khổng lồ trong bối cảnh biến đổi khí hậu, 5 năm trở lại đây con người đã bắt đầu chú trọng đến việc tăng cường dự trữ carbon, giảm phát thải từ rừng thông qua chương trình REDD+. Tuy nhiên, dường như kế hoạch này mới chỉ nhìn nhận rừng ở khía cạnh bảo tồn, trong khi chưa đánh giá đúng vai trò của rừng trong phát triển kinh tế và con người. Đó là nhận định của ông Peter Holmgren, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế trong bài viết dưới đây.

Kế hoạch được Liên hiệp quốc hậu thuẫn mang tên REDD+ (Giảm khí thải từ mất rừng và suy thoái rừng kết hợp Bảo tồn, Quản lý bền vững, Tăng dự trữ các-bon) nhằm giữ lượng carbon ở lại trong rừng thời gian gần đây đã thu hút những nỗ lực quốc tế trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Sử dụng rừng để bù đắp biến đổi khí hậu do con người gây ra là một mục tiêu chính đáng và có thể các mục tiêu lâm nghiệp khác như bảo tồn đa dạng sinh học, cũng sẽ được hưởng lợi từ đó. Tuy nhiên, sự tập trung này dường như đã thiển cận khi bỏ qua tiềm năng lớn hơn của ngành lâm nghiệp trong đóng góp cho các vấn đề phát triển kinh tế và con người.

Rừng không chỉ là kho chứa carbon

Lâm nghiệp không phải là một khu vực bị cô lập và ngăn cách với thế giới bên ngoài cây cối. Đối với người dân địa phương, rừng là một nguồn năng lượng tái tạo, là nguồn thực phẩm và nguồn sinh kế.

Kết quả công bố năm ngoái từ một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR) cho thấy thu nhập từ rừng trung bình chiếm hơn 1/5 tổng thu nhập của các hộ gia đình sống trong hoặc gần rừng, bao gồm gỗ cho nhiên liệu, xây dựng nhà cửa, thực phẩm và cây thuốc.

Ngoài ra, lâm sản cũng đóng góp đáng kể vào thương mại toàn cầu với các sản phẩm lâm sản gỗ và phi gỗ chiếm 4% thương mại hàng hóa toàn cầu.

Đặc biệt, rừng cung cấp các dịch vụ môi trường quan trọng để duy trì sự sống, như đa dạng sinh học và điều hoà khí hậu thông qua lưu trữ carbon.

Trong khi REDD+ đã giúp nâng cao nhận thức về dịch vụ lưu trữ carbon của rừng thì thật lạ là đến nay vẫn có rất ít thảo luận về cách thức để những lợi ích kết hợp của lâm nghiệp có thể đóng góp vào các giải pháp phát triển bền vững toàn cầu.

Bảo tồn rừng thường được xem là đối lập với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bảo tồn, sử dụng đất và phát triển có liên hệ và kết hợp với nhau hơn là đối chọi nhau. Vì vậy, chúng ta có thể xây dựng các giải pháp phối hợp chứ không phải chỉ là một trong hai kịch bản (hoặc bảo tồn hoặc phát triển).

Ảnh: CIFOR

Rừng hỗ trợ an ninh lương thực

An ninh lương thực là một trong những lãnh địa mà bảo tồn và các chương trình nghị sự phát triển con người đã xác định như một “đối thủ”. Rõ ràng, không có an ninh lương thực cho tất cả mọi người thì không có quyền đòi hỏi bất kỳ thành công nào trong phát triển bền vững. Một tỷ người thiếu đói trên toàn cầu rõ ràng là một tình cảnh tiến thoái lưỡng nan về mặt đạo đức và phát triển cần phải giải quyết.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công điều này, cần phải xem xét lại nhận thức rằng an ninh lương thực chủ yếu là yêu cầu sản xuất thêm lương thực. Thay vào đó, cần phải hiểu rằng mất an ninh lương thực chủ yếu là do nghèo đói, thiếu tiếp cận với thực phẩm và dinh dưỡng không đầy đủ. An ninh lương thực do đó không thể có được chỉ bằng cách bắt đất sản sinh thêm nhiều calo.

Nhận thức này rất quan trọng đối với vai trò của lâm nghiệp. Theo đó, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp (hy sinh rừng) không nên triển khai dưới danh nghĩa an ninh lương thực. Thêm nữa, lâm nghiệp, bao gồm cả mô hình nông lâm kết hợp, cung cấp cơ hội để đa dạng hóa thực phẩm và do đó cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ hơn. Thu nhập từ các sản phẩm và dịch vụ lâm nghiệp có thể giúp xóa đói giảm nghèo, một trong những yếu tố cơ bản đảm bảo an ninh lương thực. Và cuối cùng, cũng cần nhìn nhận rõ hơn vai trò của lâm nghiệp khi cung cấp năng lượng để đun nấu cho hàng trăm triệu người, một khía cạnh vẫn thường bị bỏ qua trong an ninh lương thực.

Nếu chúng ta không sai lầm khi phân định lâm nghiệp và an ninh lương thực, chúng ta sẽ thấy rằng các mục tiêu phát triển bền vững khác nhau thực sự có thể hỗ trợ lẫn nhau. Tương tự như vậy, giảm các tác động môi trường từ nông nghiệp và cải thiện cơ hội tiếp thị cho các sản phẩm trồng trọt đều là thành tố của cùng một phương trình phát triển bền vững.

Để tăng cường đóng góp của lâm nghiệp, các giải pháp cần được áp dụng theo hoàn cảnh của từng địa phương, tuy nhiên trong bất cứ trường hợp nào ba yếu tố sau cũng cần được lưu ý.

Thứ nhất, nguồn tài chính từ khu vực tư nhân cho mục tiêu thúc đẩy sử dụng đất bền vững là rất cần thiết, đặc biệt đối với các hộ sản xuất nhỏ ở nông thôn. Các chương trình như REDD+ sẽ góp phần tăng hoặc kích thích đầu tư sử dụng đất bền vững, tuy nhiên tài chính cho khu vực nông thôn vẫn cần được đáp ứng một cách rộng rãi hơn.

Thứ hai, các chính sách lương thực phải nhận ra những giá trị mà lâm nghiệp mang lại. Bởi vì, an ninh lương thực phụ thuộc vào một loạt các yếu tố mà ở đó lâm nghiệp là chìa khóa đối với cả dinh dưỡng, năng lượng tái tạo và khả năng phục hồi của sinh cảnh.

Cuối cùng, cần phải công nhận rằng các sáng kiến đầy tham vọng liên quan đến rừng có mục tiêu toàn cầu như REDD + có thể thúc đẩy những lợi ích rộng lớn hơn và do đó cần được nhìn nhận là một phần không thể tách rời của các nỗ lực phát triển nông thôn, hơn là các dự án bảo tồn.

Lâm nghiệp lâu nay thường bị nhìn nhận ở khía cạnh cần hạn chế hơn là ở những gì mà nó có thể tạo ra. Chừng nào chúng ta còn tiếp tục đánh giá những đóng góp của lâm nghiệp chỉ ở tiêu chuẩn chấm dứt phá rừng và hạn chế biến đổi khí hậu thì chúng ta sẽ không thể thấy được những lợi ích rộng lớn hơn nhiều mà lâm nghiệp có thể mang lại cho phát triển bền vững.

Đây chính là lúc để đưa lâm nghiệp vượt ra khỏi những cánh rừng.