7 loài được cứu nhờ lệnh cấm săn bắn và buôn bán

Tổ chức IUCN mô tả các lệnh cấm săn bắn lấy chiến lợi phẩm là “công cụ cùn nhụt có nguy cơ làm suy yếu những lợi ích quan trọng cho cả bảo tồn và sinh kế địa phương”. Dưới đây là 7 loài được cứu nhờ các lệnh cấm săn bắn và buôn bán:

Cá voi lưng gù

Ảnh: Wikicommons

Cá voi lưng gù đến sát bờ vực tuyệt chủng vào giữa thế kỷ 20 vì ngành công nghiệp đánh bắt. May mắn là Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) đã cấm đánh bắt cá voi lưng gù thương mại vào năm 1966, đến năm 1970 Hoa Kỳ liệt kê loài này vào danh sách loài nguy cấp và được bảo vệ ở cấp liên bang. Sự bảo vệ về pháp luật chứng tỏ vai trò thiết yếu giúp cá voi lưng gù phục hồi với một số quần thể loài hiện vượt quá ước tính trước khi ngành săn bắt cá voi nở rộ.

Hổ Amur

Ảnh: Wikicommons

Hổ Amur (còn gọi là hổ Siberi) là những cá thể mèo lớn nhất trên hành tinh, từng sinh sống ở một khu vực rộng lớn trải khắp nhiều vùng ở Trung Quốc, Nga và bán đảo Triều Tiên. Mất sinh cảnh cùng với nạn săn bắn vô tội vạ đã khiến quần thể loài giảm xuống mức gần tuyệt chủng vào giữa những năm 1900. Tuy nhiên, không giống như cá voi lưng gù, loài này chưa phục hồi hoàn toàn và vẫn đang trên bờ vực tuyệt chủng.

Hổ Amur chưa tuyệt chủng nhờ vào việc Nga đã ban hành lệnh cấm tuyệt đối săn bắn vào năm 1947. Ngày nay, hơn 95% hổ Amur cư trú tại vùng núi Sikhote-Alin thuộc miền Viễn Đông. Lệnh cấm săn bắn đáng được ca ngợi vì giúp loài này không bị tuyệt chủng nhưng vấn đề là tốn quá nhiều thời gian để lệnh cấm được thực hiện.

Tê giác trắng

Ảnh: Pilansberg

Câu chuyện về sự phục hồi của tê giác trắng khá điển hình cho việc ngừng săn bắn giúp bảo tồn loài ra sao. Những người ủng hộ săn bắn lấy chiến lợi phẩm thì cho rằng quần thể tê giác trắng tăng từ năm 1968 – khi săn bắn được hợp pháp hóa – là bằng chứng của sự thành công. Tuy nhiên, sự phục hồi quần thể bắt nguồn từ lệnh cấm săn bắn năm 1912. Có nhiều uớc tính số lượng tê giác trắng còn lại tại thời điểm đó nhưng nạn săn bắn có thể đã làm giảm quần thể xuống chỉ còn 25 cá thể. Ước tính thận trọng thì khi đó còn khoảng 100 cá thể tê giác trắng, phân tích cũng cho thấy quần thể tăng nhanh hơn khi săn bắn bị cấm so với khi săn bắn được hợp pháp hóa.

Voi châu Phi

Ảnh: Wikimediacommons

Voi châu Phi là một trong những loài hoang sinh sản tốt nhất nhưng bị đày đọa nhất lục địa. Trong thế kỷ 20, số lượng voi giảm hơn 90 do nạn săn trộm và buôn bán ngà bất hợp pháp. Và nếu CITES không đưa lệnh cấm toàn cầu vào năm 1989, voi châu Phi có thể đã biến mất hoàn toàn. Sau lệnh cấm toàn cầu, tổng số lượng voi tăng lên và thậm chí một số khu vực dù số lượng tiếp tục giảm đi nhưng tỷ lệ mất voi vẫn thấp hơn trước khi có lệnh cấm toàn cầu. Thật không may, voi một lần nữa gặp nguy cơ vì nạn săn trộm lấy ngà. Nghiên cứu cho thấy việc cho phép bán ngà voi một lần năm 2008 châm ngòi cho cuộc khủng hoảng săn trộm gần đây nhất. Lịch sử và nghiên cứu cho thấy rõ rằng buôn bán ngà voi hợp pháp sẽ hủy hoại tương lai voi châu Phi.

Lạc đà vicuna

Ảnh: IUCN

Lạc đà vicuna gần như tuyệt chủng vào thập niên 1960 vì bị săn bắn quá mức để lấy lông sản xuất len. Để cứu loài này, CITES yêu cầm tạm thời dừng buôn bán lông lạc đà vicuna. Kết quả khá tích cực. Quần thể loài tăng trở lại và thương mại toàn cầu về len làm từ ông vicuna được tái hợp pháp hóa vào những năm 1990. Tuy nhiên, các tổ chức như IUCN và CITES liệt kê loài này là ví dụ về cách thương mại hợp pháp có thể cứu một loài vì số lượng lạc đà vicuna đã tăng lên kể từ khi thương mại được tái hợp pháp hóa. Thật không may, thương mại hợp pháp cũng gây ra hàng loạt các vấn đề về đe dọa loài. Các nhà bảo tồn đang gióng lên hồi chuông cảnh báo vì mức độ gia tăng săn trộm. Thị trường quốc tế hợp pháp đã mở cửa cho một thị trường lậu đe dọa các nỗ lực bảo tồn trong quá khứ.

Sói xám

Ảnh: SmithsonianZoo

Hoa Kỳ ghét những kẻ săn mồi, đặc biệt là sói xám. Dưới bàn tay của thợ săn, những người bẫy thú và người chăn nuôi, loài này gần như bị diệt trừ ở 48 tiểu bang vào những năm 1900. Nhưng Hoa Kỳ đã ban hành một trong những chế tài mạnh mẽ nhất vào năm 1973: Đạo luật về các loài có nguy cấp (ESA). ESA không cho phép “bắt” bất kỳ loài nào được coi là có nguy cơ bị tuyệt chủng. “Bắt” trở thành từ khóa ngăn chặn mọi người gây hại, quấy rối hoặc giết chết các loài được bảo vệ. Sói xám cuối cùng cũng thoát cảnh bị săn đuổi do được bảo vệ theo ESA. Đây được coi là lý do khiến số lượng loài này hồi phục ở Hoa Kỳ.

Đại bàng đầu trắng

Ảnh: Aaron Baggenstos

Đây là loài mang đậm chất Mỹ và cũng vì lý do này mà chúng từng bị săn lùng đến mức suýt tuyệt chủng vào giữa những năm 1.900. Quần thể loài giảm mạnh do bị hủy hoại sinh cảnh, mất con mồi và bị săn bắn quá mức. Sau khi một số chế tài được đưa ra để bảo vệ chúng, số lượng loài đã tăng trở lại. Câu chuyện về đại bàng đầu trắng tương tự với sư tử châu Phi, tuy nhiên đại bàng đầu trắng được cứu còn sư tử tiếp tục trên đà suy giảm khi hành vi đi săn lấy chiến lợi phẩm vẫn được quảng bá là để cứu giúp chúng.

Nhật Anh (Theo Wild Things Initiative)

Nguồn: