Xây dựng Sân Golf : Những tác hại dưới góc nhìn khoa học

Cả nước hiện có khoảng trên 5.000 người chơi golf, trong đó có 2.000 người chơi thường xuyên. Bên cạnh đó, khách du lịch, đặc biệt là các doanh nhân đến Việt Nam có sở thích chơi golf ngày càng nhiều. Vì nhu cầu ấy, hệ thống sân golf tại nước ta không chỉ nằm ở vùng đồi núi mà đang tiến sát, thậm chí đã xây dựng ở giữa trung tâm các đồng bằng…

Tính cả các dự án đã được cấp phép đầu tư, Việt Nam hiện có gần 20 sân golf với đủ quy mô và diện tích khác nhau. Quanh khu vực Hà Nội cũng có đến gần 10 sân golf như: Hà Nội (100% vốn Nhật Bản), Kim Nỗ (liên doanh với Thái Lan), Ngôi sao Đại Lải, Flamingo Đại Lải, Sky Lake Golf (100% vốn Hàn Quốc) và Long Sơn cũng vốn đầu tư của Hàn Quốc… Những tháng đầu năm 2007, hàng loạt các sân golf được cấp giấy phép hoạt động ở đồng bằng Bắc bộ: Hưng Yên (180 hécta), Bắc Ninh (300 hécta), Hà Nội (500 hécta), Vĩnh Phúc (180 hécta)…

Sân golf kết hợp với khu du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp đang là xu hướng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Do đó có những dự án đại sân golf 108 lỗ và khu nghỉ dưỡng rộng đến 1000 hécta đã được cấp phép tại Uông Bí (Quảng Ninh). Lợi ích về kinh tế do các sân golf đem lại đã được nhắc đến nhiều, nhưng đằng sau đó tiềm ẩn không ít những vấn đề rất đáng để quan tâm.

TS Phạm Sĩ Liêm (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho rằng: “Cuộc chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp là một quá trình tất yếu. Nhưng chúng ta nên chú ý rằng đây là sự chuyển đổi đơn chiều không thể quay trở lại. Trong khi đó nhiều nơi chuyển đổi rất dễ dàng mà không thận trọng. Ví dụ: Hưng Yên là tỉnh thuần nông nhưng gần đây đã cho phép làm sân golf 180 hécta tại “vựa lúa” của huyện Văn Giang, chỉ cách Hà Nội khoảng 30 km.

Làm khu đô thị còn hiểu được nhưng làm sân golf thì thật là điều khó hiểu. Nói thế không có nghĩa là nhất định không làm sân golf này, mà điều quan trọng là nếu xây dựng thì đòi hỏi phải đưa ra dư luận, lấy ý kiến của dân, các nhà khoa học.

Phần lớn những cuộc chuyển đổi này đang theo phong trào, theo mốt mà thiếu sự cân nhắc. Sân golf ở các nước bị các nhà môi trường phản đối. Vì muốn duy trì sân golf người ta phải sử dụng rất nhiều hóa chất để trừ sâu, nuôi cỏ… ở Nhật Bản, chính phủ nước này quy định rất nghiêm ngặt rằng sân golf phải làm trên sườn núi. Dù rất bất tiện nhưng ai muốn chơi thì phải lên đó”.

Để có một sân golf đạt tiêu chuẩn, nhất thiết cần phải có những thảm cỏ xanh mướt mắt và mịn cho đường bóng lăn. Muốn vậy thì định kì là một lượng hóa chất khá lớn đã đổ xuống để trừ sâu bệnh gây hại, nấm mốc. Theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), trên mỗi hécta sân golf người ta phải sử dụng khoảng 1,5 tấn hóa chất mỗi năm, tức là gấp khoảng 3 lần so với một khu canh tác nông nghiệp cùng diện tích. Hóa chất đổ xuống trôi theo đường dẫn của nước tưới, nước mưa và hòa tan xuống tầng nước ngầm. Các chất độc hại này là căn nguyên của khá nhiều căn bệnh hiểm nghèo cũng như làm mất đi sự đa dạng sinh học. Thực tế, có những sân golf chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, chính những người làm việc tại đó đã không sử dụng nguồn nước ngầm tại chỗ mà mua nước từ nơi khác về để sử dụng trong sinh hoạt.

Cùng với nguồn phát thải ô nhiễm khá mạnh, do sân gofl đòi hỏi một loại cỏ đặc biệt, không chịu được úng nên người ta phải thực hiện tiêu thoát nước liên tục. Trung bình một sân golf 36 lỗ mỗi ngày cần dùng đến khoảng 10.000 m3 nước. Phục vụ nhu cầu này, các máy bơm công suất lớn được huy động làm việc tối đa cả ngày lẫn đêm, gây ra tình trạng tụt giảm nước ngầm ở các khu vực liền kề.

Gần đây, người dân thuộc xóm Gốc Đa (xã Hợp Châu, Tam Đảo, Vĩnh Phúc), nơi liền kề với sân golf Tam Đảo không ít lần kiến nghị vì cho rằng sân golf đã ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của họ. Theo phản ánh, mỗi lần sân golf được phun thuốc trừ sâu và thuốc giữ ẩm cho cỏ là bầu không khí nơi đây nồng nặc mùi hóa chất gây ngột ngạt, khó thở. Đặc biệt, cống nước thải của sân golf được chảy trực tiếp ra mương thủy lợi. Một lượng lớn hóa chất từ sân golf có nguy cơ ngày càng ngấm sâu vào nguồn nước đe dọa sức khỏe của người dân.

Nguồn nước sinh hoạt ở đây đang có biểu hiện nhiễm hóa chất. Nước xuất hiện mùi khét khó chịu, dù được đun sôi nhưng ít ai dám uống. Nếu hiện tượng này kéo dài và không có biện pháp khắc phục thì trong tương lai, ai dám chắc rằng sẽ không có một Gốc Đa tiếp tục được gọi tên là “làng ung thư”…

Một giáo sư, thành viên của Hội Thủy lợi Việt Nam cho biết, việc xây dựng sân golf nếu không tính toán kĩ sẽ gây hậu quả khôn lường, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống con người… Dịch vụ sân golf phục vụ cho giới “thượng đế” cao cấp, nhưng cũng không thể quên lợi ích dài lâu của những người dân bình thường.