PGS.TS Lưu Đức Hải: Tỉnh Thái Bình cần xem xét kỹ hoạt động “lấn biển”

PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch VIASSE, thành viên Hội đồng Thẩm định Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề nghị cần xem xét kỹ hoạt động “lấn biển”, tránh vi phạm các cam kết quốc tế Việt Nam đã và đang tham gia.

“Lấn biển” mở rộng không gian phát triển

Tại Hội nghị Thẩm định quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được tổ chức ngày 17/8, ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, Quy hoạch tỉnh Thái Bình được xây dựng với mục tiêu phấn đấu cao trên tinh thần quyết tâm và khát vọng vươn lên để sánh ngang với các tỉnh trong khu vực.

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình tại hội nghị, Thái Bình là địa phương “đất chật, người đông”, quy mô diện tích khá nhỏ (chiếm 0,48% diện tích cả nước), xếp thứ 54/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên về dân số, Thái Bình xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chiếm 1,9% dân số cả nước và có mật độ dân số gấp 4 lần trung bình cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được tổ chức mới đây.

Vì vậy, mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Thái Bình thông qua hoạt động “lấn biển” là giải pháp được đơn vị tư vấn đưa ra trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện tại tỉnh Thái Bình có khoảng 16.637 ha đất mặt nước ven biển. Với đặc điểm địa hình, địa chất vùng ven biển Thái Bình, phần diện tích này rất thuận lợi để có thể khai thác lấn biển, mở rộng không gian phát triển thực hiện các dự án đô thị, du lịch, thương mại, công nghiệp.

Dự kiến trong thời kỳ quy hoạch 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ khai thác đưa 2.550 ha đất mặt nước ven biển vào sử dụng cho mục đích xây dựng các dự án trong khu kinh tế biển Thái Bình: Khu công nghiệp Thái Thượng, Khu công nghiệp Hoàng Long; Khu du lịch Cồn Đen, Khu du lịch sinh thái Cồn Vành – Cồn Thủ.

Ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị.

Dự thảo Quy hoạch đề ra mục tiêu khu vực công nghiệp hoàn thành chuyển dịch từ mô hình dựa chủ yếu vào các ngành thâm dụng lao động sang các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao. Khu kinh tế ven biển Thái Bình trở thành một trung tâm công nghiệp của vùng với hệ thống khu, cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh và thu hút được một số nhà đầu tư công nghiệp lớn của thế giới.

Chuyên gia đề nghị xem xét lại quy hoạch lấn biển

Tuy nhiên, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã vấp phải nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại Quy hoạch chung của các chuyên gia trong hội đồng thẩm định. Tại buổi bỏ phiếu, Các thành viên Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Thái Bình với 2/30 phiếu không phải chỉnh sửa, bổ sung; 28/30 phiếu phải chỉnh sửa, bổ sung; thông qua báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tỉnh Thái Bình với số phiếu 30/30 phải chỉnh sửa, bổ sung và thông qua dự thảo báo cáo thẩm định Quy hoạch tỉnh với số phiếu 14/30 phiếu không phải chỉnh sửa, bổ sung, 16/30 phiếu phải chỉnh sửa, bổ sung.

PGS.TS Lưu Đức Hải – Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam là một trong số những chuyên gia uy tín đầu ngành được mời tham gia Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, ông là một trong số 28 thành viên Hội đồng thầm định bỏ phiếu yêu cầu chỉnh sửa bổ sung thông tin.

PGS.TS Lưu Đức Hải đề nghị tỉnh Thái Bình xem xét lại hoạt động lấn biển, tránh vi phạm các cam kết quốc tế Việt Nam đang tham gia.

PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết: Tại Hội nghị tôi đã yêu cầu tỉnh Thái Bình làm rõ cơ sở để lãnh đạo tỉnh Thái Bình lựa chọn kịch bản tăng trưởng cao và phát triển đột phá với tốc độ tăng trưởng hàng năm giai đoạn 2021-2030 đạt 13,4%. Khi hiện nay tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Thái Bình chỉ đang dừng ở mức 6,7 – 8%/năm, liệu chọn mục tiêu tăng trưởng đến 13,4%/năm có quá sức?

Thứ hai tôi cũng đề nghị tỉnh Thái Bình không khai thác than tại vỉa than đồng bằng Bắc Bộ. Liên quan đến nội dung này, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã có hội thảo về vấn đề khai thác than tại Đồng bằng Sông Hồng trong đó nhấn mạnh tác động môi trường cực kỳ lớn. Vỉa than này có chiều sâu -250m tại Khoái Châu (Hưng Yên), chiều sâu -4.000m, tại Tiền Hải (Thái Bình) nằm trong tầng trầm tích bở rời. Nếu chúng ta khai thác than gây sụt lún bề mặt, gây biến dạng bề mặt ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, nhà cửa đất đai hạ tầng. Điều quan trọng hơn, vỉa than này nằm dưới mực nước ngầm chính của đồng bằng Bắc Bộ, nếu khai thác than sẽ gây mất hoàn toàn nước ngầm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng triệu con người. Trong khi đó giá thành khai thác chưa chắc đã rẻ hơn giá thành than nhập khẩu.

Cũng theo PGS.TS Lưu Đức Hải thì việc tiến hành khai thác than tại vỉa than này mâu thuẫn với cam kết net Zero của Chính phủ Việt Nam.

Khu vưc Cồn Vành, nằm sát Vườn quốc Gia Xuân Thủy (Nam Định) dự kiến được quy hoạch làm Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ.

Quan trọng hơn cả, tôi đề nghị xem xét hoạt động “lấn biển”, mở rộng không gian phát triển mà lãnh đạo tỉnh Thái Bình đề cập đến trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lý giải cho vấn đề này, PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay có hai Khu bảo tồn thiên nhiên Thái Thụy và Tiền Hải. Cả hai khu bảo tồn này nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận là một khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004.

Trong khi đó, những năm gần đây Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong các vấn đề bảo vệ môi trường, tham gia thực hiện các công ước quốc tế về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đã và đang nỗ lực từng ngày để thực hiện nghiêm túc đầy đủ các cam kết quốc tế chúng ta đã và đang tham gia. Với tư cách một nhà khoa học, tôi đề nghị tỉnh Thái Bình cần xem xét kỹ lưỡng hoạt động “lấn biển” nhằm mở rộng không gian phát triển, tránh vi phạm các cam kết của Việt Nam với các tổ chức quốc tể ở đây là UNESCO.

Theo Quyết định 731 của UBND tỉnh Thái Bình, Khu BTTN tiền Hải có diện tích khoảng 1320 ha.

Trước đó, vào tháng 4/2023, ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ký ban hành Quyết định 731 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh (H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) có tên gọi là khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải (gọi tắt khu bảo tồn).

Theo Quyết định 731, Khu BTTN Tiền Hải sẽ nằm ở vị trí vùng ngoài đê biển thuộc 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của H.Tiền Hải. Phía bắc, phía nam và phía đông giáp quy hoạch khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ. Phía tây giáp quy hoạch khu nuôi trồng hải sản công nghệ cao. Khu bảo tồn có quy mô diện tích 1.320 ha, bao gồm phần đất rừng ngập mặn 632 ha và diện tích đất chưa có rừng là 688 ha. Ranh giới của khu bảo tồn được xác định bằng 38 điểm tọa độ từ P1 đến P38.

Như vậy, với Quyết định 731, tỉnh Thái Bình đã thu hẹp, đến mức gần như sẽ xóa sổ khu bảo tồn khi giảm quy mô từ 12.500 ha xuống còn 1.320 ha, đồng thời thu hẹp đáng kể diện tích rừng đặc dụng của khu bảo tồn.

Sau khi giảm về quy mô diện tích thì Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải sẽ được “bao quanh” bởi các dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh. Cụ thể, khu vực phía bắc, nam và đông của khu bảo tồn sẽ tiếp giáp với quy hoạch khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ, phía tây giáp quy hoạch khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao.

Một phần quy hoạch Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ. (Ảnh internet)

Trong đó, khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ có quy mô 3.348ha đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 1/2.000.

Dự án này có quy mô dân số khoảng 34.600 người, với năm phân khu chức năng gồm: sân golf, casino và khách sạn nghỉ dưỡng 5 sao, khu du lịch sinh thái – tâm linh, công viên vui chơi giải trí cảm giác mạnh, khu đô thị du lịch sinh thái.

Trước đó, vào ngày 26/9/2014, ông Phạm Văn Ca, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đã ký Quyết định số 2159 về việc phê duyệt đề án và xác lập khu bảo tồn với quy mô 12.500 ha, trong đó bao gồm diện tích rừng ngập mặn, đất bãi bồi và đất ngập nước. Quyết định này xác lập vị trí, phạm vi ranh giới, diện tích của khu bảo tồn nằm về phía tả ngạn cửa Ba Lạt (thuộc H.Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Phía tây giáp đê 6 (thuộc xã Nam Thịnh, Nam Hưng và Nam Phú), phía bắc giáp lạch sâu cửa Lân, phía nam là sông Hồng, phía đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ (15 km) từ cửa Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với Biển Đông.

Quyết định 2159 cũng nêu rõ phân khu chức năng vùng lõi và vùng đệm của khu bảo tồn. Theo đó, vùng lõi được xác định do đặc thù của vùng cửa sông nên toàn bộ diện tích khu bảo tồn thuộc diện bảo vệ và không phân thành các phân khu chức năng như các khu bảo tồn thiên nhiên khác. Vùng đệm của khu bảo tồn gồm 3 xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh với tổng diện tích tự nhiên trong vùng dự án là 4.564 ha. Đề án của khu bảo tồn được lập ra với mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, là vùng VN đăng ký vào danh sách vùng bảo vệ theo Công ước quốc tế Ramsar.

Trước những thông tin cho rằng việc tỉnh Thái Bình ra Quyết định 731 là quyết định thu hẹp, xóa sổ Khu BTTN Tiền Hải, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ UBND tỉnh Thái Bình.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị Thẩm định Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng – Chủ tịch Hội đồng Thẩm định nhấn mạnh cần tập trung làm rõ, cụ thể như cần làm rõ hơn quy trình lập quy hoạch thể hiện sự đồng thuận, thống nhất về định hướng, không gian, các hoạt động phát triển; đặc biệt là quy trình tích hợp, cần rà soát đảm bảo sự thống nhất; bám sát Nghị quyết 30 về phát triển vùng, Nghị quyết số 81 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia, định hướng quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành đã được phê duyệt; làm rõ vai trò, vị trí của tỉnh với vùng về an ninh lương thực, phát triển và giữ gìn các giá trị văn hóa, kết nối giao thông, xã hội, du lịch, y tế; đặc biệt về các điểm nghẽn phát triển mặc dù đã được nêu nhưng cần rà soát và cô đọng lại, đây chính là bài toán cần giải quyết trong quy hoạch; phải nêu bật lên được vị trí của tỉnh đối với thành phố Hà Nội, vùng Thủ đô, với các địa phương liên quan khi có các tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Hải Phòng, đường ven biển Thái Bình – Nam Định, mở ra không gian mới rất quan trọng, tạo nên hành lang kinh tế.

Về ba kịch bản phát triển, cần chứng minh luận cứ rõ hơn; Làm rõ khu vực đề xuất lấn biển, đây là xu thế, yêu cầu nhưng làm sao đưa ra được diện tích đề xuất khả thi, đảm bảo không ảnh hưởng môi trường và phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167/TB-VPCP ngày 07/6/2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình, trong đó nêu rõ nghiên cứu các phương án lấn biển gắn liền với phát triển Khu Kinh tế Thái Bình, cần đánh giá tác động của phương án lấn biển với môi trường để tìm ra phương án phù hợp.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!