Hội thảo : Khung pháp lý về kiểm soát ô nhiễm

Ngày 06/09 vừa qua tại Hà Nội, Hợp phần "Kiểm soát ô nhiễm tại các khu vực đông dân nghèo" (PCDA) đã tổ chức hội thảo "Khung pháp lý về kiểm soát ô nhiễm". Mục đích của Hội thảo nhằm rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật về kiểm soát ô nhiễm cũng như tình hình thực hiện các văn bản nói trên ở 4 địa phương tham gia Hợp phần là Thái Nguyên, Hà Nam, Quảng Nam và Bến Tre".

Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã dành một số chương để hỗ trợ công tác kiểm soát ô nhiễm (KSON); Nghị định 80, 81 cũng tập trung vào các nội dung có liên quan đến KSON và rất nhiều các văn bản dưới Luật thuộc các lĩnh vực cụ thể liên quan đến KSON, nhưng việc KSON tại các địa phương vẫn không có được bức tranh sáng, thậm chí, tình trạng xuống cấp của môi trường và việc gia tăng ô nhiễm ở nhiều nơi vẫn ở mức báo động.

“Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm là do việc triển khai thực hiện các văn bản pháp lý tại các địa phương còn chậm, thiếu hiệu lực, hiệu quả, chưa cụ thể hóa các văn bản cho địa phương thực hiện”, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam nêu ý kiến.

Theo ông Dũng, các văn bản quy phạm pháp luật về KSON từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh chưa rõ ràng, đồng thời quá trình thực hiện chưa đồng bộ. Chiến lược KSON đã có nhưng các cơ quan thực thi chưa đủ mạnh cả về năng lực lẫn nhân lực nên việc áp dụng còn lúng túng. Vì vậy, Hội thảo khung pháp lý về kiểm soát ô nhiễm là cơ hội để các địa phương xem xét các văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương đến địa phương còn hổng chỗ nào, qua đó kịp thời kiến nghị với Nhà nước để có được những văn bản có hiệu lực cao nhất. Quan điểm này được đại diện các Sở hoàn toàn tán đồng.

Ông Đoàn Văn Phúc – Trưởng phòng Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Bến Tre) cho biết, do Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Cửu Long, đầu nguồn nước mặn, cuối nguồn nước ngọt nên các chất thải ở thượng nguồn và tại chỗ chưa được xử lý triệt để, có xu hướng tích luỹ ở vùng cửa sông, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và phát triển đô thị cũng đang và sẽ tác động xấu đến môi trường, đặt ra cho ngành TN&MT nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và KSON môi trường nói riêng. Trong khi đó, công tác phối hợp KSON môi trường giữa ngành TN&MT với các ban, ngành, đoàn thể chưa mang lại hiệu quả và thường xuyên, nhân lực phục vụ KSON môi trường hạn chế, cán bộ ít được tham dự lớp tập huấn về lĩnh vực KSON nên chưa đáp ứng được nhiệm vụ.

Việc thi hành pháp luật bảo vệ môi trường của các dự án, cơ sở sản xuất chưa được nghiêm túc. Mặc dù Hợp phần PCDA đã hỗ trợ cho Bến Tre không chỉ các khung pháp lý và văn bản mà còn hỗ trợ cả các trang thiết bị, đặc biệt là vấn đề đạo tạo công tác KSON. Nhưng mong muốn của Bến Tre nói riêng và các địa phương nói chung là “Trung ương nghiên cứu các văn bản sao cho phù hợp với địa phương, sát với quy mô và loại hình phát triển để địa phương dễ áp dụng”.

Đại diện Sở TN&MT tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam hiện đang “vướng” cơ chế chính sách về KSON môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; ý thức chấp hành thực hiện các quy định trong công tác bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp chưa cao, nhiều doanh nghiệp không thực hiện các báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có cam kết về bảo vệ môi trường…

Đối với Thái Nguyên, theo bà Hoàng Thị Liên – Phó phòng Môi trường (Sở TN&MT), cán bộ làm công tác quản lý còn lúng túng trong việc phân loại xác định dự án nào phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hay bản cam kết bảo vệ môi trường. Bà Liên nêu ví dụ, hiện nay ở tỉnh có tình trạng một số khu dân cư chủ dự án là UBND cấp xã, cấp huyện chỉ lập phương án quy hoạch sau đó tiến hành chia lô và phân đất để các hộ tự xây dựng mà không lập dự án xây dựng kết cấu hạ tầng chung của khu dân cư, vậy đối tượng này thì phải hướng dẫn lập cam kết hay lập báo cáo đánh giá tác động môi trường?

Kiến nghị của Thái Nguyên tại Hội thảo là phải rà soát chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 80, 81; bổ sung danh mục và điều chỉnh lại quy mô quy định đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; ban hành hướng dẫn về cách xác định số phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp… “Để các hoạt động quản lý được triển khai và thực thi có hiệu quả nhất thiết phải có các hướng dẫn quy định cụ thể bằng văn bản để làm căn cứ pháp lý cho việc thực hiện”, bà Liên nói.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Sinh – Chuyên gia tư vấn ngắn hạn trong nước của Hợp phần PCDA khẳng định: “Việc nghiên cứu ban hành văn bản này trở thành nhiệm vụ cấp bách và phải được ưu tiên hàng đầu. Văn bản về KSON tối thiểu phải tập trung giải quyết được những nội dung chủ yếu như thống nhất quan điểm về kiểm soát ô nhiễm; chú trọng kiểm soát tổng thể chất thải gây ô nhiễm, kết hợp chặt chẽ với KSON cuối đường ống; văn bản phải cụ thể, khả thi; phù hợp với các quy định của Luật BVMT và các Luật có liên quan…”.

TS. Nguyễn Ngọc Sinh kiến nghị, nên thành lập Cục Kiểm soát ô nhiễm ở Trung ương và Phòng Kiểm soát ô nhiễm tại các Sở TN&MT; “Khẩn trương tổ chức thực hiện Kế hoạch Quốc gia về KSON môi trường đến năm 2010 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bởi đây là văn bản quan trọng bậc nhất hiện nay liên quan đến KSON”.