Xử lý vi phạm an toàn thực phẩm: Bộ NN&PTNT kiến nghị sửa luật

ThienNhien.Net – Sáng 17/11, trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về việc gia tăng ngày càng mạnh mẽ số vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm với mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là việc sử dụng tràn lan các loại chất cấm trong sản xuất, chế biến nông sản và chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nêu 5 nhóm giải pháp, trong đó có kiến nghị sửa đổi luật, cụ thể là Điều 155 và Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Ảnh minh họa: PanNature
Ảnh minh họa: PanNature

Bộ trưởng nhấn mạnh: Điều 155 quy định về việc sử dụng chất cấm nhưng lại không bao hàm chất cấm dùng trong chăn nuôi. Chẳng hạn chất cấm Salbutamol, mặc dù bị cấm trong chăn nuôi nhưng lại được dùng để chữa bệnh. Hay chất Vàng ô – là cấm trong chăn nuôi nhưng trong công nghiệp lại được dùng làm chất nhuộm. Vì vậy, Điều 155 không giải quyết được triệt để vi phạm.

Với Điều 244, nếu buôn bán thực phẩm độc hại, gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng mới bị xử lý, tức là phải lăn ra chết mới xử lý được. Tuy nhiên, ăn thực phẩm ít khi nào bị đến thế nên cũng khó xử lý trong thực tế.

Theo Bộ trưởng, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép sửa đổi 4 nghị định về xử phạt hành chính theo hướng tăng nặng mức phạt nhằm hạn chế hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân sản xuất sản phẩm an toàn và giúp người tiêu dùng nhận biết được đâu là thực phẩm an toàn để sử dụng.

“Để làm được điều đó, chúng ta cần phải có những chính sách mạnh hơn, chúng tôi sẽ sớm đề xuất những chính sách như vậy” – Bộ trưởng cho biết.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP. HCM) về việc nền nông nghiệp Việt Nam có bị thua trên sân nhà trước áp lực của hội nhập kinh tế, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay: các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết đều góp phần mở ra cơ hội cho ngành nông nghiệp tiếp cận thị trường nhiều hơn, tuy nhiên, để phát huy được cơ hội thì phải có sản phẩm, có khả năng cạnh tranh mạnh. Giải pháp cho vấn đề này đã được Bộ báo cáo nhiều lần nhưng tựu trung là phải tổ chức lại sản xuất và hỗ trợ nhân dân nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất ra các loại nông sản, kể cả những nông sản chúng ta đang yếu thế. Đặc biệt, cần hỗ trợ các hộ nông dân nhỏ để có năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, giá thành hạ hơn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Mặt khác, cần tạo điều kiện để cho các hộ sản xuất lớn, các công ty sản xuất theo kiểu công nghiệp đạt trình độ của các đối tác. Tuy nhiên, đáp lời Bộ trường, Đại biểu Hòa cho rằng nội dung trả lời chưa thỏa đáng vì giải pháp trên đúng với mọi ngành chứ không riêng nông nghiệp.

“Vấn đề tôi mong đợi Bộ trưởng trả lời hoặc trả lời sau cũng được là chiến lược của ngành nông nghiệp chúng ta đi vào AEC, TPP là gì? Trong số các sản phẩm nông nghiệp cây trồng, vật nuôi của chúng ta nên dùng cây gì, con gì để hội nhập và thâm nhập vào thị trường thế giới. Ngược lại, với thị trường nội địa, chúng ta có những chính sách gì để không bị thua trên sân nhà. Tôi nghĩ rằng với tư cách là một tư lệnh ngành, ngành nông nghiệp cần chỉ ra cho nông dân biết được chiến lược hội nhập của chúng ta là gì?” – Đại biểu Hòa nhấn mạnh.