Biến gỗ lậu thành gỗ nương rẫy

Trong 2 năm 2006 và 2007, dưới sự dẫn dắt của lâm tặc, Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai (Gia Lai) đã làm hồ sơ giả đứng tên một số hộ đồng bào dân tộc xin khai thác, tận dụng hàng trăm mét khối gỗ nương rẫy. Thực tế, chỉ có 10 cây gỗ nương rẫy là có thật, còn lại đều là gỗ khai thác trái phép từ rừng phòng hộ được kiểm lâm và lâm tặc đưa vào hợp thức hoá.

Kiểm lâm “bắt tay” lâm tặc phá rừng

Cuối năm 2005, Bộ NN&PTNT có Quyết định số 40/2005/QĐ – BNN ban hành quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác, trong đó cho phép khai thác gỗ rừng còn sót lại trên nương rẫy. Ngày 08/01/2006, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai (GL) có công văn 263/CV – KL gửi các hạt kiểm lâm huyện, thị xã hướng dẫn thực hiện quyết định 40. Lợi dụng chủ trương này, Hạt Kiểm lâm Ia Grai đã “bắt tay” lâm tặc phá rừng, hợp thức hoá cho gỗ lậu.

Cuối tháng 12/2007, từ một vụ vận chuyển gỗ lậu, Công an GL đã bước đầu lật tẩy thủ đoạn phá rừng của liên minh kiểm lâm – lâm tặc này. 4 đối tượng Nguyễn Gia Thiệp, Nguyễn Văn Việt (trú tại thành phố Pleiku), Hoàng Văn Tiếp (trú tại huyện Đức Cơ) và Hoàng Công Khánh (trú tại Ia Grai) bị bắt quả tang đang tổ chức vận chuyển 79 lóng gỗ tại xã Ia Chía. Trong đó có 59 lóng (52m3) đã được Hạt Kiểm lâm Ia Grai đóng búa.

Các đối tượng này khai nhận: Bọn chúng đã mua gỗ trôi nổi, hoặc tìm gỗ rừng tự nhiên thuê người khai thác rồi đưa về bãi tập kết. Sau đó mượn “sổ đỏ” của các hộ đồng bào dân tộc, kê khống số cây và khối lượng gỗ nương rẫy làm hồ sơ xin khai thác giả. Hạt kiểm lâm đã trình hồ sơ này lên UBND huyện xin cấp phép, sau đó đóng búa cho gỗ lậu lên đường tiêu thụ. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng còn phát hiện hàng trăm mét khối gỗ lậu đã được kiểm lâm Ia Grai hợp thức hoá dưới danh nghĩa “gỗ nương rẫy”.

Cộng cả năm 2007, huyện Ia Grai đã cho phép khai thác 89 cây gỗ nương rẫy, lâm tặc đã triệt hạ 86 cây với tổng khối lượng gỗ hơn 230m3 và được kiểm lâm nghiệm thu đóng búa. Trong số này chỉ có… 7 cây gỗ có thật trên nương rẫy (11,53m3), 79 cây còn lại do lâm tặc khai thác trái phép. Hồ sơ năm 2006 cũng thể hiện có 53 cây gỗ nương rẫy (gần 100m3) được huyện cho phép khai thác, nhưng cũng chỉ có 3 gốc cây hiện diện trên nương rẫy.

 
Chỉ có gỗ của lâm tặc không bắt tay với kiểm lâm mới bị kiểm lâm bắt giữ.

Trách nhiệm của chi cục kiểm lâm đến đâu?

Quy trình cấp phép – hậu kiểm đối với việc khai thác gỗ nương rẫy được thiết lập rất chặt chẽ. Sau khi chủ hộ có đơn xin khai thác, hạt kiểm lâm tiến hành kiểm tra thực địa và lấy xác nhận của chính quyền xã, thôn tổng hợp trình UBND huyện. Kiểm lâm cũng chịu trách nhiệm giám sát trong quá trình khai thác, nghiệm thu theo quy định. Vậy tại sao “con voi” vẫn “chui lọt lỗ kim”?

Tại công văn 263/CV – KL, Chi cục Kiểm lâm GL yêu cầu các hạt phải gửi đầy đủ biên bản xác minh kèm phiếu đo đếm từng cây gửi về chi cục, chi cục sẽ phúc tra các trường hợp có nghi vấn …”.

Trong vụ việc ở Ia Grai, ông Trần Quang Khanh – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm GL – sau khi nhận báo cáo của kiểm lâm huyện đã tức tốc cho 2 cán bộ pháp chế xuống kiểm tra, đình chỉ. Nhưng sau đó hạt Kiểm lâm Ia Grai lại có văn bản kèm bút phê của … chính ông Khanh đề nghị UBND huyện cấp phép khai thác 18 cây gỗ hương trên nương rẫy, thực tế chỉ 4 cây có thật.

Sau khi bắt tạm giam 2 lâm tặc và 2 cán bộ hạt kiểm lâm Ia Grai (Trần Văn Thành và Trần Văn Sơn), hiện Công an GL vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc. Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm GL đến đâu, và Ia Grai có là huyện duy nhất xảy ra tình trạng kiểm lâm “hô biến” gỗ rừng thành gỗ nương rẫy hay không?