Kiểm soát gấu nuôi bằng chíp điện tử không dễ!

Nhằm xử lý triệt để hành vi săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt gấu trái phép để lấy mật, năm 2004, Cục Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức gắn chíp điện tử cho tất cả hơn 4.000 gấu nuôi trên phạm vi cả nước. Đây là phương pháp mới nhằm kiểm soát, chấm dứt tình trạng săn bắt gấu để khai thác, lấy mật. Nhưng, để thực hiện nghiêm quy chế quản lý gấu nuôi nhốt sau khi gắn chíp điện tử là việc không hề đơn giản.

Trại nuôi nhốt gấu An Cảnh, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Tây – nơi mà cách đây không lâu (01/08), đội đặc nhiệm của Cục Kiểm lâm phát hiện 1 vụ việc nghiêm trọng, phát sinh 30 con gấu so với số gấu gắn chíp có trong hồ sơ 26 con. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cơ quan chức năng đã không thể xác định được số gấu phát sinh có chíp điện tử hay không, và có nguồn gốc chính xác từ đâu. Họ chỉ ước lượng được số gấu phát sinh nặng từ 15 – 25kg.
Ông Đào Khắc Trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phúc Thọ, Hà Tây: “Lúc đó chúng tôi không có thuốc gây mê, máy đọc chíp điện tử bị hỏng, nên không thể kiểm tra được…”.
Vậy là, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ trại An Cảnh phải chăm sóc, bảo quản nguyên vẹn số gấu phát sinh chờ kiểm tra tiếp. Nhưng đến ngày 03/08, khi đoàn kiểm tra quay lại, tất cả 30 con gấu phát sinh đều không còn ở trong chuồng?
Trong biên bản kết luận về vụ việc này, chủ trại An Cảnh giải trình: “Số gấu phát sinh là của 2 gia đình trong xã đã được gắn chíp và có hồ sơ quản lý gửi gia đình ông nuôi hộ trong thời gian họ đi du lịch và sửa chữa chuồng trại”.
Theo quy chế quản lý gấu nuôi nhốt sau khi gắn chíp, khi vận chuyển gấu từ nơi này đến nơi khác, các chủ hộ phải có giấy phép đặc biệt của cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh, nhưng các hộ dân đã không thực hiện, tự ý vận chuyển.
Ông Cấn Tiến Cảnh, Chủ trại nuôi nhốt gấu An Cảnh nói: “Sau ngày 01/08, gia đình tôi sợ quá đã gọi 2 hộ kia đến nhận số gấu này về. Đúng là chúng tôi chưa tìm hiểu kỹ, nên có sai khi vận chuyển gấu không đăng ký với cơ quan kiểm lâm, nhưng do chúng tôi thiếu hiểu biết…”.
Kết quả kiểm tra của cơ quan Kiểm lâm ngày 03/08, số gấu trên đều có chíp điện tử, trùng khớp với số lượng gấu mà chủ trại An Cảnh khai báo. Song đến nay, nhiều người quan tâm đến vụ việc vẫn nghi ngờ số gấu phát sinh ở trang trại An Cảnh có nguồn gốc không rõ ràng? Chỉ có điều “án tại hồ sơ”, tại thời điểm phát hiện vi phạm, đáng tiếc, với lý do không có thiết bị đọc chíp điện tử, cơ quan Kiểm lâm đã không kết luận rõ ràng.
Ông Lê Minh Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tây: “Chúng tôi đã không đủ điều kiện để kết luận vào thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Mặt khác, cũng không thể xử phạt hành vi vận chuyển gấu, bởi theo quy định, nếu xử phạt sẽ thừa nhận việc nuôi nhốt gấu là hợp pháp…”.
Theo quy định, chỉ cần nuôi nhốt 1 con gấu không có chíp điện tử, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng trong vụ việc này, do không đủ chứng cứ, chủ trang trại An Cảnh chỉ bị nhắc nhở về hành vi không khai báo khi vận chuyển gấu với cơ quan chức năng.
Ngay cả trong các đợt kiểm tra định kỳ, do không máy đọc chíp điện tử và thuốc gây mê cho gấu, cơ quan Kiểm lâm Hà Tây cũng như nhiều địa phương cũng chỉ kiểm tra dựa trên hồ sơ và căn cứ vào số lượng gấu thực tế do chủ trang trại khai báo, chứ không có điều kiện đọc chíp từng con gấu…