Phát triển kinh tế nhưng phải tôn trọng luật pháp!

ThienNhien.Net – Trở lại vụ việc Vĩnh Phúc “xé rào” đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất phát triển khu du lịch Tam Đảo 2. Giới báo chí và các nhà khoa học đã thực sự nhập cuộc và đưa ra các đánh giá, phân tích nhiều chiều về tác động của dự án. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách đơn giản, vấn đề nổi cộm nhất trong kế hoạch này của tỉnh Vĩnh Phúc chính là ý đồ biến một phần diện tích trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia (VQG) thành khu du lịch, giải trí. Xin nhấn mạnh rằng, diện tích Tam Đảo 2 dự kiến khai thác nằm trong vùng lõi VQG Tam Đảo, được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt.

“Lệ làng” to hơn phép nước 
Xét cho cùng, mọi hoạt động phát triển kinh tế của địa phương dù được coi là triển vọng hay táo bạo, đột phá đến mấy thì cũng không thể vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nhà nước ta ngày càng quan tâm hơn đến các vấn đề bảo vệ môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Trong chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Chính phủ đã xác định “Chương trình tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên” là một trong 36 chương trình, dự án ưu tiên cấp quốc gia, do Bộ NN & PTNT chủ trì thực hiện.  

Trước mắt, khó có thể đánh giá hết được những hiệu quả hay hậu quả mà dự án Tam Đảo 2 sẽ đem lại nhưng ngay từ ý định phá rừng tự nhiên bảo vệ nghiêm ngặt để khai thác kinh doanh dịch vụ đã cho thấy xu hướng đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước.  
Nghị Quyết  41-NQ/TW về bảo vệ môi trường của Bộ Chính trị đã nêu rõ cần “bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, đặc biệt là đối với các khu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; hạn chế đến mức thấp nhất việc mở đường giao thông và các hoạt động gây tổn hại đến tài nguyên rừng…”. Đồng thời, trong Quyết định số 192/2003/QĐ-TTg của Chính phủ cũng đã đề ra nguyên tắc cơ bản quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên của nhà nước ta là “phát triển bền vững, đảm bảo phát triển trước mắt không làm tổn hại đến tương lai và quản lý bảo vệ tốt tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học của đất nước”.  

Tam Đảo 2
Tam Đảo 2 nằm ở vị trí trung tâm VQG Tam Đảo, trên vùng đỉnh núi độ cao khoảng 1200m. Nếu Tam Đảo 2 bị khai thác sẽ không thể lường hết hậu quả gây ra đối với các hệ sinh thái và cộng đồng cư dân vùng đệm dưới chân núi.


Với tiềm năng săn có của mình, việc Vĩnh Phúc xác định ưu tiên phát triển du lịch là tất yếu. Song, điều đó không có nghĩa là phải khai thác cho bằng được, cho bằng hết, bất chấp các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Theo quy hoạch của VQG Tam Đảo, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 17.295 ha,  tính từ độ cao 400 m (so với mặt biển) trở lên, cấm tuyệt đối mọi tác động làm ảnh hưởng đến động vật, thực vật rừng. Tam Đảo 2 ở độ cao gần 1.200m, trong vùng được bảo toàn nguyên vẹn và quản lý, bảo vệ chặt chẽ, lẽ nào tỉnh “không cần biết”.  

Việc khai thác gần 200ha rừng cho khu trung tâm Tam Đảo 2 sẽ kéo theo ít nhất hàng trăm ha rừng cũng sẽ bị khai thác làm đường. Như vậy, sẽ có một diện tích lớn đất rừng đặc dụng bị chuyển đổi. Phải chăng Vĩnh Phúc đang mâu thuẫn với chính mình bởi xin nhắc lại rằng, trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của tỉnh Vĩnh Phúc (được điều chỉnh bởi Nghị quyết số 15/2006/NQ-CP) thể hiện rõ chỉ có đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ được phép chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp với tổng diện tích chuyển đổi là 1.237 ha (đến năm 2010), còn diện tích rừng đặc dụng trong tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh sẽ không giảm mà tăng từ 46,65% năm 2005 lên 48,64% vào năm 2010.

Tỉnh Vĩnh Phúc mượn lẽ làm “du lịch sinh thái” để giải thích dự án Tam Đảo 2 nhưng dường như các nhà quản lý địa phương của tỉnh đã quá lạm dụng thuật ngữ đang được thịnh hành này mà bỏ qua ý nghĩa thật của nó. Báo chí cũng đã bình luận dự án Tam Đảo 2 là kiểu làm du lịch phá sinh thái (VietNamNet).  
Tại điều 18, Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/08/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế rừng đặc dụng quy định cho phép chủ rừng (xin nhấn mạnh chủ rừng ở đây là BQL VQG Tam Đảo, cơ quan chủ quản là Bộ NN&PTNT) được tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng. Tuy nhiên, hoạt động này phải được lập dự án phê duyệt và quan trọng hơn là không gây ảnh hưởng xấu đến mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và tác dụng phòng hộ của khu rừng.  
Cụ thể hơn, trong Thông tư số 99/2006/TT-BNN của Bộ NN & PTNT nêu rõ rằng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng được lập các tuyến đường mòn, lều trú chân, cắm biển chỉ dẫn để tuần tra kết hợp phục vụ dịch vụ du lịch sinh thái. Tuyệt đối không được làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng. Tuyến đường mòn quy định tối đa không quá 1,5 mét chiều rộng. Trong xây dựng, không được có những hành vi xâm hại đến sinh cảnh sống của những loài động vật. Liệu dự án Tam Đảo 2 có cam kết đúng những yêu cầu trên?  
Dự án Tam Đảo II vẫn đang trong giai đoạn chờ duyệt, nhưng như chúng tôi đã thấy, nhưng con đường kéo từ Tam Đảo I đến Tam Đảo II đã mở được gần 3 km đầu tiên. Và đáng nói, đoạn đường ấy không phải là đường mòn, cũng không hề hẹp, chí ít cũng rộng gấp 4-5 lần cái tiêu chuẩn 1,5m như quy định.

Đoạn đường nối từ Tam Đảo 1 sang Tam Đảo 2 sạt lở từ những km đầu tiên


Đừng phụ lòng tin 
Trong chuyến thăm Tam Đảo gần đây nhất, chúng tôi có dịp trò chuyện với Mekki, ông chủ của Mela – khách sạn lớn nhất thị trấn Tam Đảo 1 và tình cờ được biết ông là một người rất yêu thiên nhiên. Mekki tâm sự: “Tôi kinh doanh ở đây đã được 7 năm. Tôi đã đi hầu hết các vườn quốc gia ở châu Á. Inđô, Thái Lan và các nước khác cũng có các vườn quốc gia nhưng họ tuyệt đối không cho phép xây dựng casinô trong đó. Chỉ có duy nhất ở Malayxia khoảng 15 năm trước, họ đã xây dựng 4-5 khách sạn và casinô trong 1 khu bảo tồn, nhưng sau này khu bảo tồn ấy hầu như chẳng còn gì nữa, chim thú cũng không còn. Những khách nghỉ tại khách sạn của tôi đa số không vui khi nghe nói sẽ xây dựng Tam Đảo 2. Họ nói Tam Đảo là vườn quốc gia, rừng Tam Đảo rất đẹp. Có nhiều chỗ khác, tại sao lại chọn xây ở đấy”. 
Anh H.V.G, một người dân xã Đại Đình, Tây Thiên thẳng thắn khi trò chuyện với chúng tôi: “ Dân chặt một cây nứa về dùng thì phạt, còn họ khai thác hàng trăm ha thì không sao, khác nào khi con mèo vồ miếng thịt thì đuổi đánh, còn con hùm bắt con lợn thì bảo lạy ông mời ông công đi.” 

Thiết nghĩ, các nhà quản lý tỉnh Vĩnh Phúc cần nhìn nhận và điều chỉnh dự án Tam Đảo 2 cho phù hợp với ý nghĩa du lịch sinh thái thực sự, mà trước hết là cần tuân thủ đầy đủ các quy định của luật pháp, không phụ lòng tin của người dân và bè bạn nước ngoài. Xin khép lại bài viết với lời chia sẻ của GS.Võ Quý trong một bài phỏng vấn gần đây: “Nếu chúng ta đã đề xuất ra thì phải thực hiện cho đúng nguyên tắc, chứ không nên lúc này thì bảo thế này, lúc kia thì bảo thế kia. Nếu Nhà nước cho phép Vĩnh Phúc cắt 300 ha rừng đặc dụng này  thì lần sau những nơi khác họ bảo: Vĩnh Phúc làm được tại sao chúng tôi lại  không?… Và đến một lúc rồi sẽ chẳng còn gì”.