Giảm thiểu ô nhiễm từ Chương trình "3 giảm 3 tăng"

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: nhờ áp dụng Chương trình "3 giảm 3 tăng" – giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả trong sản xuất lúa, nên đến nay các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang giảm thiểu được đáng kể ô nhiễm môi trường, các sản phẩm lúa gạo đều đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây là mô hình nghiên cứu mang tính tổng hợp đầu tiên trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai có hiệu quả ở nước ta, được nông dân trong nước và quốc tế đánh giá cao.
 
Kể từ vụ đông xuân và hè thu năm 2002 đến nay, Chương trình “3 giảm 3 tăng” trong thâm canh lúa được áp dụng rộng rãi tại 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.  
 
Chương trình cho phép giảm lượng lúa giống đầu tư bình quân từ 180-200kg/ha xuống còn 100-120kg/ha; giảm được 10% lượng đạm đầu tư nguyên chất và giảm 1-2 lần phun thuốc trừ sâu, song năng suất lúa vẫn tăng 80-150kg thóc/ha. Đặc biệt, giá thành sản xuất 1kg thóc theo tiến bộ khoa học kỹ thuật này giảm so với sản xuất thông thường được 138đ, lợi nhuận tăng thêm trên mỗi ha 1.102.380đ, đưa tổng số 418.481 ha lúa trong khu vực lợi nhuận tăng tới 461,3 tỷ đồng/vụ.
 
Bên cạnh đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn xúc tiến Chương trình quản lý tổng hợp dịch hại (IPM) trên rau, cây ăn quả và cây công nghiệp.
 
Qua áp dụng đã giảm 2,5-6 lần phun thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn duy trì được mật độ ký sinh và các loài “khắc tinh” của sâu bệnh (50-65% IPM và 6,2-29,6% ở ruộng không áp dụng).
 
Mặt khác việc sử dụng phân bón cân đối đảm bảo quy trình “5 đúng”-đúng đất, đúng cây, đúng thời tiết, đúng thời kỳ và đúng liều lượng cũng đang được phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân trong khu vực, góp phần đắc lực tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường để giúp cho Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nền nông nghiệp bền vững.