Cạnh tranh bằng sản phẩm sinh thái

Triển lãm quốc tế về sản phẩm sinh thái 2008 (EPIF2008) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày mồng 1 đến 04/03/2008. Ngày nay, có nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng các vấn đề môi trường chính là cơ hội kinh doanh chứ không phải rủi ro cần lẩn tránh.

Tại cuộc họp báo mới đây về triển lãm này, ông Kazuyoshi Terashima, Phó Chủ tịch Ban tư vấn về năng suất xanh Nhật Bản cho biết: Nhà sản xuất thép Nippon của Nhật đã loại bỏ dư lượng chì trong quá trình luyện kim để không làm ảnh hưởng môi trường.
 
Nhà sản xuất máy in HP (Mỹ) sử dụng vỏ máy in bằng vật liệu tổng hợp từ thực vật và có khả năng tự phân hủy trong môi trường sau sử dụng; các nhà sản xuất Nhật Bản tận dụng tối đa những mảnh kính và chai lọ vỡ để sản xuất gạch lát nền… và được người tiêu dùng hồ hởi đón nhận.
 
Nhận biết và nắm bắt được những cơ hội từ các sản phẩm sinh thái, nhiều doanh nghiệp châu Á đang biến sức ép về môi trường thành cơ hội cạnh tranh thực sự. Nếu như trước đây, tốt và rẻ là những tiêu chí hàng đầu để khách hàng lựa chọn một sản phẩm hàng hóa thì ngày nay, người tiêu dùng của nhiều nước lại sẵn sàng trả giá cao cho một số sản phẩm được dán nhãn hiệu sinh thái. Theo họ, đó là một hành động bảo đảm sự phát triển lâu dài, bền vững cho con người và làm xu hướng tất yếu của tương lai.
 
“Quá trình hội nhập sẽ loại bỏ dần các hàng rào thuế quan, lúc đó các nước nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam đã và sẽ ra nhiều rào cản mang tính kỹ thuật. Một trong những rào cản đó là đòi hỏi về khía cạnh môi trường”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam (VPC), đã đưa ra một gợi ý có ích cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh, nâng cao thị phần các sản phẩm hàng hóa của mình và phát triển bền vững khi biết kết hợp hài hòa giữa nâng cao năng suất chất lượng với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
 
Cơ sở chế biến cao su Tấn Thành (TP. Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Sau khi áp dụng quy trình sản xuất sạch, lượng nước thải phải xử lý khâu tách tạp chất và thay nước ở bể làm sạch nguyên liệu đã giảm đáng kể. Điều này đã tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng chục triệu đồng tiền điện mỗi tháng.
 
 Để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm sinh thái, theo ông Kazuyoshi Terashima, điều thiết yếu là Chính phủ phải có một chương trình hành động cụ thể để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và các doanh nghiệp hưởng ứng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường vì một xã hội bền vững.