Phá núi trong lòng phố thị du lịch

Tỉnh Kiên Giang ví như một Việt Nam thu nhỏ vì được thiên nhiên “ưu ái” ban tặng gần như hoàn hảo với sông-núi, biển-đảo… bao la và hùng vĩ. Đây là một lợi thế rất lớn cho địa phương khai thác, phát triển kinh tế, du lịch kết hợp với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học… Nhưng gần đây nhiều người dân, du khách, các nhà môi trường và cả chính quyền địa phương cảm thấy lo ngại khi nạn phá núi đồi ngày một “dữ dội” ngay trong lòng những khu đô thị mà ngành du lịch đang dồn sức xây dựng.

Sốc ngay cửa ngõ “Hà Tiên mến yêu”
Chắc chắn những ai yêu mến thắng cảnh Hà Tiên sẽ cảm thấy bị “sốc” ngay khi tới cửa ngõ của xứ sở thơ mộng này khi chứng kiến ngọn núi Tô Châu với “vết thương” to đùng, màu đỏ quạch. Ngọn núi bị đào phá nham nhở, lở loét với diện tích lớn. Nhiều người dân địa phương phản ánh, núi bị phá, không còn cây rừng nên mùa mưa là có sạt lở.

Trong lòng thị xã Hà Tiên có tới 26 ngọn núi, đồi lớn nhỏ được cây rừng bao phủ, tạo nên cảnh quan xinh đẹp. Tuy nhiên, một vài ngọn núi đã bị khai thác lõm bõm, rất khó coi. Cây rừng bị triệt hạ, sườn núi xác xơ đối mặt với nắng mưa.

Điển hình nhất là núi Đề Liêm (người dân còn gọi là núi Tháp bảy tầng, chính quyền địa phương gọi là đồi) nằm bên cạnh quốc lộ 80- đường ra cửa khẩu Xà Xía-bị “xử trảm” để lấy đất, đá đỏ xây dựng khu công nghiệp 140ha… Nhiều người dân sống trong khu vực này cho biết: Lúc cao điểm, nơi đây như một công trường với cả chục xe ben, xe cuốc… làm việc rầm rập suốt ngày đêm.

Hệ quả là một vạt núi đối diện mặt đường gần như bị san phẳng. Trên đường vào khu du lịch Mũi Nai thêm 2 ngọn núi, đồi bị “xử”. Ngọn núi đối diện cổng chính vào khu du lịch Mũi Nai cũng bị khai phá một phần làm trường bắn dịch vụ thể thao… luôn vắng khách. Anh Nguyễn Huy Cường-du khách đến từ TPHCM tiếc nuối: “Cảnh quan quanh khu du lịch biển nổi tiếng Hà Tiên bị can thiệp thô bạo quá”.

“Lam nham” phố thị Kiên Lương

Việc phá núi ở Hà Tiên còn nhẹ, tại huyện Kiên Lương (cách Hà Tiên gần 30km), nhiều ngọn núi bị lên danh sách san bằng, thậm chí người ta còn xin khai thác âm xuống cả trăm mét.

 
 Xe cuốc đang san bằng đỉnh núi Khóe Lá (Kiên Lương).

Từ trung tâm đến “ngoại ô” thị trấn Kiên Lương, đều có công trường… phá núi. Tỉnh lộ 11 dẫn vào khu đô thị mới Kiên Lương và khu du lịch Bình An (có Hòn Phụ Tử), cảnh tượng phá núi “tàn bạo” nhất. Dân địa phương phải giật mình hàng chục năm nay vì tiếng nổ mìn phá núi vang xa hàng cây số mỗi khi chiều về.

Dãy núi Mo So nổi tiếng (từng che chở nhiều cán bộ cách mạng thời kháng chiến) đang bị san phẳng từ từ. Cách đây 10 năm, hai ngọn núi Bãi Voi, Cây Xoài cao vút, giờ thấp lè tè.

Đối diện với dãy núi Mo So, trên đỉnh và 2 phía (biển và đất liền) núi Khóe Lá khổng lồ đang được tập trung khai phá như một đại công trường. Xe cuốc lên tận trên đỉnh, bạt từng vạt núi để lấy nguyên liệu sản xuất xi măng. Trên đường vào khu du lịch Bình An, chúng tôi chứng kiến nhiều núi đá vôi, núi đất đỏ đang bị khai phá nham nhở.

Theo UBND huyện Kiên Lương, hiện có khoảng năm đơn vị được cấp phép phá núi lấy nguyên liệu làm xi măng. Đó là Công ty Xi măng Holcim, Công ty cổ phần Xi măng Kiên Giang, Công ty Xi măng Hà Tiên-Kiên Giang, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên, Công ty Xi măng Hà Tiên 2 đang “san bằng” các dãi núi Còm, núi Trầu, núi Khóe Lá, núi Hang Cây Ớt, núi Túc Khối, núi Mo So…

Khoanh vùng, giữ núi: bao giờ?

Đối với Kiên Giang, khu dự trữ sinh quyển duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long và lớn nhất khu vực Đông Nam Á (diện tích gần 1,3 triệu ha), thì việc bảo vệ các hệ sinh thái rừng trên núi đá, núi đá vôi… trở nên cấp bách.

Chủ tịch UBND thị xã Hà Tiên – Trần Minh Chiến – cho biết: “Có 5 dự án phát triển du lịch biển đảo ở Hà Tiên có nhà đầu tư, với tổng vốn hơn 2.000 tỷ đồng và nhiều dự án khác được nhắm đến. Lĩnh vực thương mại du lịch luôn chiếm 40% – 43% trong cơ cấu kinh tế của thị xã… Vì thế việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nhất là các núi đồi hết sức cần thiết. Địa phương và người dân đã kiến nghị, lên tiếng bảo vệ các ngọn núi. Hiện tại, việc khai thác núi Tô Châu và các núi khác trong lòng thị xã đã ngưng. Chỉ còn duy nhất núi Nhỏ (gần ngã ba Hà Giang) được phép khai thác bằng mặt đất để lấy đất, đá đỏ làm đường. Chúng tôi đang tính đến việc khôi phục lại rừng ở những nơi núi bị khai thác”.
Tại Kiên Lương, hầu như lần nào tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ứng mạnh về tình trạng khai thác núi, sản xuất xi măng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ông Trương Minh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kiên Lương thẳng thắn: “Về lâu dài, chúng tôi đề nghị và được tỉnh chấp thuận chủ trương sắp xếp, quy hoạch lại việc khai thác núi. Theo đó, khai thác đất đá đỏ sẽ được gom về núi Tà Đuốc Lớn, Tà Đuốc Nhỏ và núi Đất Đỏ.

Dừng khai thác các núi đất, đá đỏ khu vực Bình An, phục hồi lại rừng. Phần còn lại của dãy núi Mo So (từ Yên Ngựa trở vào trong), núi Hang Tiền, núi Bà Tài… và các núi chưa khai thác cần phải bảo vệ nghiêm ngặt”.

Việc hạn chế khai thác núi đá vôi còn thể hiện rõ qua việc Kiên Giang đã từ chối một dự án xây dựng nhà máy clinker quy mô lớn, công suất 2,5 triệu tấn/năm của một nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng tính đến giải pháp khai thác nguyên liệu tại các nước trong khu vực.

Tỉnh Kiên Giang đã giao Sở Xây dựng chủ trì khảo sát, quy hoạch lại việc khai thác các núi đồi trên địa bàn tỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững.

Ông Trương Minh Chưởng, Trưởng Phòng Tài nguyên khoáng sản, Sở TN-MT Kiên Giang: Theo quy định, cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép khai thác núi đá, núi sỏi đỏ, cát… làm vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản, núi đá vôi, do cấp trung ương phê duyệt nhưng tất cả phải có sự phối hợp khảo sát, tham mưu của chính quyền địa phương và các ngành có liên quan… Ngoài Hà Tiên, Kiên Lương còn nhiều núi đồi ở Hòn Đất và Phú Quốc cũng bị khai thác, san bằng.