Dồn sức khống chế dịch cúm gia cầm

ThienNhien.Net – Các địa phương đang huy động và bố trí tối đa mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống, khống chế dịch cúm gia cầm, không để dịch bùng phát và lan rộng.

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hôm 9/2 cho biết, dịch cúm gia cầm đã bùng phát trở lại tại Quảng Ninh và Hậu Giang, nâng tổng số địa phương có dịch chưa qua 21 ngày lên 5 tỉnh (Cà Mau, Sóc Trăng, Nghệ An, Hậu Giang và Quảng Ninh).

Để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngày 9/2, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm chắc, theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý, nhất là dịch bệnh cúm A (H5N1)… để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Khi dịch bệnh xảy ra, phải kịp thời thông tin, báo cáo và phối hợp với các ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan của tỉnh tổ chức khoanh vùng, khống chế và dập tắt dịch bệnh, không để dịch lây lan ra diện rộng và các vùng lân cận.

Công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn sẽ được đẩy mạnh để người dân hiểu và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các địa phương trên địa bàn cũng sẽ huy động và bố trí tối đa nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và công tác dập dịch, không để dịch bùng phát và lan rộng.

Trong này 10/2, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm còn lại của thôn Nà Cáng, xã Quảng An, nơi phát dịch, đồng thời tiến hành công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng nhằm ngăn chặn dịch cúm gia cầm lây lan trên địa bàn huyện.

Xã Quảng An đã cho lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm từ vùng dịch ra ngoài, đồng thời yêu cầu các hộ dân trong thôn Nà Cáng quây nhốt gia cầm, không ăn thịt gia cầm…

Theo Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, tính đến chiều 9/2, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 9 ấp, 4 xã của 3 huyện là Trần Văn Thời, Thới Bình và Phú Tân. Tổng số gia cầm bị tiêu hủy hơn 4.370 con, trong đó phần lớn thuộc đàn gia cầm của 19 hộ dân. Đáng chú ý, có 15 con vịt xiêm và hơn 400 con của hộ dân buôn bán trái phép.

Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang có chiều hướng lan rộng, trong hai ngày qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần và đoàn kiểm tra của Bộ đã đến Cà Mau thị sát, kiểm tra tình hình dịch cúm gia cầm trong vùng xảy ra dịch.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên động thực vật tỉnh Hậu Giang khẳng định, một trong những nguyên nhân xảy ra dịch cúm gia cầm là do công tác tiêm phòng và quản lý dịch bệnh thời gian qua còn nhiều lỏng lẻo như tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương và người chăn nuôi gia cầm còn chủ quan…

Ban chỉ đạo tỉnh Hậu Giang yêu cầu các ngành liên quan và địa phương xảy ra dịch cúm, tập trung tiêu độc sát trùng xung quanh vùng dịch, đồng thời, tiêm phòng vaccine cho những đàn gia cầm chưa được tiêm phòng.

Theo Cục Thú y, tính từ đầu năm 2009 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 7 tỉnh (ngoài 5 tỉnh trên, Thanh Hóa và Thái Nguyên đã hơn 21 ngày không xuất hiện ổ dịch mới) và nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng là rất lớn.

Tại cuộc họp giao ban ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát yêu cầu Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo hệ thống thú y ở các địa phương triển khai các biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm và bệnh lở mồm long móng, thực hiện công bố dịch theo đúng qui định.

Các địa phương cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh; có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác tiêu độc khử trùng trên diện rộng, bao vây, dập dịch kịp thời, tiêm vắc xin bổ sung nhằm ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan.