Chăn nuôi cũng cần quy hoạch để giảm thiểu ô nhiễm môi trường

ThienNhien.Net – Hiện nay, trên cả nước mục tiêu chuyển chăn nuôi lợn từ trong làng ra ngoài đồng, hình thành trang trại chăn nuôi tập trung, tách chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm mới được thực hiện duy nhất tại xã Thạch Thán (tỉnh Hà Tây).

Là xã thuần nông, không có nghề phụ truyền thống, chăn nuôi lợn là “nguồn sống chính” của người dân địa phương. Tuy nhiên, trước khi chuyển chăn nuôi lợn ra xa khu dân cư để chăn nuôi tập trung, chăn nuôi lợn ở xã Thạch Thán phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát dịch bệnh mà hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2005, Đảng ủy, HĐND và HTX nông nghiệp Thạch Thán đã họp bàn với dân, lựa chọn khu đất rộng 35 ha xa khu dân cư thực hiện dự án chuyển đổi. Được nhân dân đồng tình ủng hộ cộng với sự giúp đỡ của tỉnh, huyện Quốc Oai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sau 2 năm triển khai, Thạch Xá có hẳn khu chăn nuôi lợn tập trung  “liên kết” nhiều hộ trang trại với quy mô hộ 18.000m2 đất, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khoảng 1,4 đến 2 tỷ đồng, chăn nuôi từ 1.000 đến 2.000 đầu lợn. Trong đó hộ vừa có diện tích chăn nuôi 4.500 m2, kinh phí đầu tư từ 300 triệu đến 600 triệu đồng, nuôi từ 300 đến 400  đầu lợn hoặc 40 đến 50 con lợn nái. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật chăn nuôi cho các  chủ trang trại, chính quyền địa phương đã đầu tư toàn bộ về đường giao thông, đường điện, hệ thống mương máng ở khu vực trang trại chuyển đổi.
 
Chủ tịch UBND xã Thạch Thán, ông Bùi Tả Ngạn cho biết: sau 02 năm thực hiện dự án, các hộ đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ bản về chuồng trại, ao cá, vườn trồng cây ăn quả lâu năm. Đàn lợn nái ngoại đã bắt đầu sinh sản lứa thứ 2, thứ 3 đạt kết quả tốt và ổn định; đàn lợn gột đã nuôi sang lứa thứ 3, thứ 4; ao cá mỗi năm thu hoạch 2 lần; cây ăn quả chủ yếu là cây cam Canh, bưởi Diễn. Tình trạng ô nhiễm môi trường khu dân cư đã được giảm thiểu tối đa. Quá trình chăn nuôi đã quản lý được dịch bệnh ở đàn lợn. Ông Ngạn cũng cho biết chủ trương của xã là tiếp tục đưa thêm các hộ dân có điều kiện ra chăn nuôi lợn ở khu vực đã quy hoạch, một số nhược điểm cần được lưu ý là khâu xử lý nước thải chăn nuôi ít nhiều vẫn gây ảnh hưởng đến môi trường; kỹ thuật chăn nuôi của khá nhiều hộ trang trại còn yếu nhất là khoản đầu tư để chăn nuôi tập trung còn quá cao so với điều kiện  sống hiện tại của nhân dân địa phương.