Nguyên nhân gây thời tiết lạnh bất thường đầu năm 2022

Những ngày thời tiết giá rét kỷ lục đang diễn ra ở miền Bắc Việt Nam, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) và vùng Đông Á.

Rét đậm

Mùa đông Bắc Cực đang ấm dần lên do biến đổi khí hậu, dẫn đến thời tiết lạnh bất thường ở những khu vực cách xa hàng nghìn kilomet ở Châu Á.

Việt Nam, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) đang trải qua những ngày giá rét kỷ lục. Theo bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng Quốc gia Việt Nam, ngày 21.2, khu vực Hà Nội có lúc có mưa, mưa rào, trời rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 7-9 độ. Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét hại với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 7-10 độ, vùng núi 2-5 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ và khả năng cao xảy ra băng giá, mưa tuyết. Khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 12-15 độ.

Băng giá xuất hiện tại Cao Bằng, Hà Giang và nhiều tỉnh phía Bắc Việt Nam trong sáng 20.2. Ảnh: Phong Quang

Đài Loan (Trung Quốc) đang trải qua những ngày lạnh nhất trong năm cho đến nay, với nền nhiệt dưới 9 độ C ở tất cả các khu vực phía bắc Đài Nam trong ngày 20.2 – theo CNA. Đợt lạnh nhất của mùa đông này cho đến nay sẽ kéo dài ít nhất cho đến ngày 22.2, mặc dù thời tiết lạnh và ẩm ướt được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài thêm vài ngày nữa. Bắt đầu từ ngày 22.2, nhiệt độ sẽ bắt đầu tăng 1 độ C mỗi ngày, đồng thời khả năng mưa sẽ giảm.

Trong khi đó, Hong Kong cũng đã trải qua buổi sáng lạnh nhất kể từ khi mùa đông bắt đầu hôm 20.2, với nhiệt độ xuống thấp tới 8 độ C. Theo cơ quan khí tượng Hong Kong, đây là đợt lạnh nhất kể từ ngày 8.1 năm ngoái, khi nhiệt độ 7,7 độ C được ghi nhận.

Do ảnh hưởng của một đợt gió mùa mùa đông cường độ mạnh qua bờ biển Quảng Đông, nhiệt độ ở các khu vực thành thị dao động ở mức 9 độ C vào khoảng giữa trưa. Tại Tai Mo Shan – điểm cao nhất của Hong Kong – nhiệt độ giảm xuống 0,6 độ C vào buổi sáng, trong khi nhiệt độ 2,9 độ được ghi nhận tại Ngong Ping trên đảo Lantau. Thời tiết sẽ vẫn lạnh và có mưa trong vài ngày tới, với lượng mưa thường xuyên hơn vào ngày 21-22.2, do các nhiễu động trên không tiếp tục mang đến thời tiết ẩm ướt cho miền nam Trung Quốc. Nhiệt độ dự kiến ​​sẽ tăng lên 21 độ C vào cuối tuần.

Các nhà chức trách Hong Kong tiếp tục mở 18 nơi trú ẩn tạm thời cho những người có nhu cầu trong ngày 21.2 khi cảnh báo thời tiết lạnh giá vẫn còn hiệu lực.

Ngày 20.2 là ngày rét nhất ở Đài Loan (Trung Quốc) trong mùa đông năm nay. Ảnh: CNA

Nguyên nhân lạnh giá bất thường

Một nghiên cứu quốc tế do các nhà nghiên cứu tại Đại học Zurich dẫn đầu cho thấy sự nóng lên của Bắc Cực đang gây ra sự bất thường về nhiệt độ và thiệt hại do lạnh cách xa hàng nghìn kilomet ở Đông Á.

Thiệt hại do lạnh và sự ấm lên ở Bắc Cực này dẫn đến giảm sự phát triển của thảm thực vật, nở hoa muộn hơn, thu hoạch ít hơn và giảm khả năng hấp thụ CO2 của rừng trong khu vực.

Nhóm nghiên cứu bao gồm các thành viên đến từ Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh đã phát hiện ra rằng mùa đông Bắc Cực ấm hơn hiện nay cũng gây ra thời tiết mùa đông khắc nghiệt như tuyết rơi dày và nhiệt độ giảm sâu ở khu vực Đông Á.

Tác giả chính của nghiên cứu, Jin-Soo Kim thuộc Khoa Sinh học Tiến hóa và Nghiên cứu Môi trường tại Đại học Zurich cho biết, mùa đông lạnh hơn cũng làm giảm năng suất nông nghiệp của ngũ cốc, trái cây, rau ăn củ và các loại đậu. Với mùa đông Bắc Cực ấm hơn khiến mùa đông ở phương nam lạnh hơn đã ảnh hưởng tới thảm thực vật. Hệ sinh thái mùa xuân đang bị tác động tiêu cực với sự suy giảm hoạt động của thảm thực vật ở các vùng cận nhiệt đới.

Bắc Cực ấm lên khiến mùa đông ở Đông Á lạnh hơn. Ảnh: Open Access Government

Bản chất liên kết của các kiểu thời tiết toàn cầu

Kết hợp mô hình hệ thống trái đất, dữ liệu vệ tinh và các quan sát địa phương, nhóm nghiên cứu cũng phân tích chỉ số nhiệt độ bề mặt biển từ Biển Barents-Kara và phát hiện ra rằng trong những năm có nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực cao hơn, những thay đổi trong hoàn lưu khí quyển dẫn đến sự bất thường khí hậu khắp Đông Á.

Những năm tạo ra điều kiện lạnh hơn ở Đông Á, các nhà nghiên cứu ước tính khả năng hấp thụ carbon trong khu vực giảm 65 megaton carbon trong suốt mùa đông và mùa xuân (để so sánh, lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch ở Thụy Sĩ là 8,8 megaton carbon mỗi năm).

Việc giảm khả năng hấp thụ carbon do biến đổi khí hậu gây ra là một vấn đề chính khác phải được tính đến khi thảo luận về việc trung hòa carbon. Những tác động của con người lên khí hậu đang liên tục thay đổi cách hệ sinh thái và môi trường của chúng ta tự duy trì, sự ấm lên của Bắc Cực do phát thải khí nhà kính của con người đang gây ra những tổn hại về kinh tế và xã hội đến tận vùng cận nhiệt đới về phía nam.

“Nghiên cứu này nhấn mạnh những tác động của biến đổi khí hậu phức tạp như thế nào. Trong khi chúng tôi quan sát thấy sự ấm lên mạnh mẽ ở Bắc Cực, đặc biệt là trên biển Barents-Kara, chúng tôi phát hiện ra rằng sự ấm lên này ảnh hưởng đến các hệ sinh thái cách xa hàng nghìn kilomet và trong nhiều tuần thông qua kết nối khí hậu. Sự ấm lên ở Bắc Cực không chỉ đe dọa loài gấu Bắc Cực mà còn ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều cách khác” – Gabriela Schaepman-Strub, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.