TP.HCM: Gia tăng ô nhiễm hữu cơ và vi sinh!

Tại Hội thảo quốc tế về “Bảo vệ môi trường đô thị và khu công nghiệp trong hội nhập quốc tế”, TP.HCM ngày 17-18/03, các đại biểu đã nhìn nhận thực trạng chung đáng báo động về những áp lực môi trường phải chịu trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa.

Vấn đề ô nhiễm được thể hiện rõ qua những số liệu từ thực tế: Nồng độ chất ô nhiễm trong không khí khu vực ven đường giao thông, trong đó chủ yếu là CO tăng 1,44 lần và bụi PM10 (tức bụi có kích thước bé hơn 10μ) tăng 1,07 lần.

Kết quả quan trắc khu vực TP.HCM quý I/2007 cho thấy, so với cùng thời điểm mùa khô năm 2006, có sự gia tăng ô nhiễm hữu cơ tăng 2-4 lần và có dấu hiệu ô nhiễm vi sinh ở khu vực bãi rác Đông Thạnh, Đông Hưng Thuận (quận 12) và Linh Trung (Thủ Đức).

Kênh rạch ở khu vực nội thành bị ô nhiễm hữu cơ và vi sinh ở mức độ cao. Phần lớn nước thải sinh hoạt mới được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại gia đình. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc nếu có trang bị thì không vận hành thường xuyên.

Cũng trong hội thảo này, các chuyên gia môi trường nước ngoài đã đưa ra những giải pháp bảo vệ môi trường trước quá trình đô thị hóa ở Singapore, Thụy Sỹ…

Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP thừa nhận, ô nhiễm nước, không khí, xử lý chất thải là những vấn đề rất trầm trọng của TP, cũng là những vấn đề khó xử lý của Việt Nam.

Trao đổi bên lề hội nghị, TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM cho rằng: Xử lý rác hiện nay bị động, nhiều công trình chưa đồng bộ. Nhiều đơn vị dùng biện pháp chôn lấp rác một thời gian rồi mới xây dựng hệ thống xử lý, nhưng nhiều khi công trình xử lý rác chưa hoàn thiện đã được đưa vào hoạt động. Bãi rác Đông Thạnh là một ví dụ.

Theo ông Tân, hoạt động đầu tư vào xử lý chất thải hiện nay còn chậm do chính sách chưa thoả đáng. Cần có chính sách ưu đãi hơn nữa cho các nhà đầu tư xử lý chất thải. Đối với lượng điện mà các đơn vị dùng để đốt rác, cần bán với giá ưu đãi, thậm chí phải bù lỗ. Ngoài ra, cần ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ trong lĩnh vực này. Hiện, TP.HCM có khoảng 6.000 tấn rác mỗi ngày. Sắp tới, phải làm quyết liệt khâu phân loại rác, để xử lý rác tốt hơn và có hiệu quả kinh tế.