Thế giới “đổ xô” vào năng lượng sinh học

ThienNhien.Net – Ông Hiroyuki Konuma, phó giám đốc đại diện của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO) tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương cho biết, thế giới đang ngày một quan tâm hơn tới lợi ích của năng lượng sinh học.

Theo ông cho biết  thế giới hiện có khoảng 14 triệu ha, chiếm 1% diện tích đất trồng trọt, đang được sử dụng cho việc sản xuất năng lượng sinh học và diện tích này có thể tăng lên 3,5% hoặc cao hơn nữa trong tương lai gần. Hơn nữa, ông cũng khẳng định: “Trong cuộc đổ xô về năng lượng sinh học này, FAO đang kêu gọi các quốc gia phải có chính sách bảo vệ đất trồng, nguồn nước, rừng và hướng dẫn phát triển năng lượng sinh học theo hướng an toàn, bền vững”.


FAO cho biết, các quan chức từ các quốc gia thuộc khu vực sông Mêkông (GMS) đã đi đến thỏa thuận trong cuộc họp về tiến hành các nỗ lực nhằm thay đổi hình ảnh khu vực nông thôn ở các quốc gia này trong một vài năm tới, đặc biệt là các vấn đề nông nghiệp, môi trường và năng lượng.

Cho dù các dự án chỉ ra rằng năng lượng sinh học được sản xuất từ các nguyên vật liệu sinh học có thể đáp ứng được 25% nhu cầu năng lượng toàn cầu tới năm 2050, tuy nhiên phát triển và sử dụng năng lượng sinh học đã trở thành tiêu điểm quốc tế quan trọng, vừa tạo ra lợi ích công cộng to lớn cũng như làm nảy sinh nhiều cuộc tranh cãi gay gắt. Sự mở rộng về năng lượng sinh học có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất thực phẩm nếu những công nghệ mới và hiệu quả không được phát triển để phục vụ cho sản xuất năng lượng sinh học và cả lương thực thực phẩm, giám đốc ADB Urooj Malik cho biết.


Trong khi việc hình thành các ngành chất đốt sinh học trong GMS có thể tạo ra thu nhập và công ăn việc làm đồng thời đáp ứng được nhu cầu về năng lượng của khu vực, thì mặt khác, ông cũng cảnh báo tới những nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sản xuất trên diện rộng và việc đơn canh sẽ làm giảm đi tính đa dạng sinh học của môi trường, gây xói mòn đất trồng và giảm lượng dinh dưỡng. Các quan chức GMS đều cho rằng khu vực này có tiềm năng trở thành một nơi sản xuất năng lượng sinh học lớn trên thế giới, tuy nhiên còn rất nhiều việc làm để có được mục tiêu đã đề ra. Để đạt được điều đó, 6 quốc gia sẽ phải hành động trên hai mặt trận: phác thảo kế hoạch cho quốc gia và tiểu vùng về năng lượng sinh học và chuẩn bị các chiến lược nhằm phát triển năng lượng sinh học cùng các chất thay thế.