Biến đổi khí hậu và trẻ em nghèo đô thị

ThienNhien.Net – Bất kể trực tiếp hay gián tiếp, trẻ em ở các độ tuổi, môi trường và hoàn cảnh sống khác nhau có nguy cơ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) khác nhau. Tuy nhiên, các văn kiện quốc tế bàn về BĐKH dường như ít quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương này. Bài viết sau đây giải thích một số tác động của BĐKH đến sức khoẻ, sự an toàn, môi trường học tập, tâm lí… của trẻ, đặc biệt là trẻ em thành thị ở những nước nghèo. Bài viết cũng khai thác những ý nghĩa đằng sau việc thích nghi, chú trọng đến các giải pháp giảm nhẹ nguy cơ và đối phó các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cũng như phản ứng, giảm thiểu những thiệt hại tức thời và các mối hiểm hoạ trong tương lai.

Biến đổi khí hậu và trẻ em

Trong những thập kỉ gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan có chiều hướng tăng lên đã khiến hàng trăm triệu người bị thương, bệnh tật, nghèo túng, vô gia cư và thậm chí chết đói. Cho dù người ta không biết chính xác vai trò của khí nhà kính trong những mối hiểm hoạ con người đang phải đối mặt, nhưng có một điều rõ ràng là biến đổi khí hậu là do con người tạo ra và việc cắt giảm khí thải nhà kính đang ngày càng trở nên bức thiết. Thậm chí, ngay cả khi chúng ta có một hiệp ước quốc tế nhanh chóng được thực thi thì phần lớn dân số thế giới vẫn phải đối mặt với những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gia tăng và nguy cơ đối mặt với nhiều biến đổi có hại trong một vài thập niên sắp tới.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh mối liên hệ giữa BĐKH và ảnh hưởng đối với trẻ em. Nhưng các văn kiện lớn về BĐKH và giải pháp thích nghi lại chưa thực sự quan tâm một cách hệ thống tới trẻ em và thanh thiếu niên. Báo cáo gần đây nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) đã thể hiện điều này. Mặc dù trong Chương về sức khoẻ có đề cập đến các biểu hiện dễ tổn thương ở trẻ, song Chương hành động thích nghi chỉ có vỏn vẹn hai ý về trẻ em và người già, cả hai đều nằm trong phần viết về phụ nữ. Thậm chí trong nhiều phần chung không có nội dung này.

Báo cáo năm 2003 về các biểu hiện BĐKH ở khu vực thành thị cũng chỉ đưa ra hai ý về trẻ em liên quan đến nguy cơ mắc hen suyễn. Trong khi đó, trẻ em chính là đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao và cần được quan tâm hơn cả.

Quan tâm đến trẻ em không chỉ có ý nghĩa đối với việc chăm lo sức khoẻ cộng đồng mà còn là cơ hội để tái thiết lập các hành động, kêu gọi mọi người xem xét lại quy mô và bản chất của bản kế hoạch thích nghi với môi trường. Một lợi ích đồng thời nữa là tăng thêm hiểu biết về sự nhạy cảm của dân nghèo thành thị đối với BĐKH ở những nước có thu nhập trung bình và thấp.

Sự thích nghi và phản ứng ở những khu vực thành thị nghèo đang trở thành tiêu điểm thu hút sự chú ý và ở một góc độ nào đó, điều này cũng đúng với cả trẻ em và thanh thiếu niên.Tất nhiên, không phải tất cả mọi trẻ em đều nhạy cảm trước những tác động của BĐKH song chúng ta cần phải thận trọng vì dù thực tế cho thấy có trẻ phục hồi nhanh chóng sau một thử thách lớn, nhưng cũng có những đứa trẻ ở độ tuổi khác và môi trường sống khác lại có nguy cơ tổn thương rất cao. Đối với khu vực nghèo, nếu không thể thích nghi với BĐKH thì sự chống chọi với những thách thức này càng khó khăn hơn.

Hầu hết những ảnh hưởng thiếu cân bằng của biến đối thời tiết đối với trẻ đều gắn với sự nghèo khổ của những gia đình có thu nhập thấp. Những hiện tượng vốn ít hoặc không ảnh hưởng đến trẻ em ở các nước có thu nhập bình quân cao có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em nghèo.

Lý do cần quan tâm đến trẻ em thành thị

Nói chung, trẻ em thành thị có điều kiện hơn trẻ ở những vùng xa xôi hẻo lánh – khoẻ mạnh hơn, được giáo dục tốt hơn và có nhiều lựa chọn trong cuộc sống hơn. Tuy nhiên, đối với hàng trăm triệu đứa trẻ sống trong những khu ổ chuột, tạm bợ, đông đúc ở các đô thị thì điều đó thật xa vời. Dịch vụ, cơ sở vật chất nghèo nàn, điều kiện sống chật vật, mật độ dân cư đông đúc và môi trường ô nhiễm là những khó khăn mà người dân nghèo thành thị phải đối mặt.
Những khu vực đô thị nghèo không được quản lí tốt là môi trường rủi ro nhất trên thế giới. Có những khu có tỉ lệ trẻ tử vong dưới 5 tuổi lên đến 25%, hoàn toàn trái ngược với những con số báo cáo lạc quan của các đô thị nói chung. Chất lượng sống kém, dân cư quá đông đúc và tình trạng thiếu nước, mất vệ sinh cũng như thiếu hiệu quả trong việc quản lí rác thải và cống rãnh là nguyên nhân gây ra tỉ lệ mắc bệnh và tổn thương cao.

Lợi thế khi sống ở thành thị cũng không thể đảm bảo cho những đứa trẻ này được giáo dục tốt và có nhiều cơ hội lâu dài. Việc phổ cập giáo dục bậc tiểu học cho trẻ em nghèo thành thị cũng không hề dễ, thậm chí thất bại. Ước tính hiện nay trên thế giới có khoảng 900 triệu người sống nghèo khổ trong những khu đô thị đông đúc, lộn xộn và thiếu thốn, trong đó có một số lượng lớn là trẻ em.

Trong khi ở các nước phát triển, trẻ em dưới 18 tuổi chiếm khoảng 20% dân số thì ở những nước chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH – hầu hết là nước thu nhập thấp – thành phần này thường chiếm gần một nửa dân số (42% ở Bangladesh, 51% ở Nigeria, 57% ở Uganda).

Quan trọng hơn là tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ ảnh hưởng bởi BĐKH rất cao. Thành phần này chiếm từ 10 đến 20% dân số ở các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi BĐKH như Ấn Độ (11%), Bangladesh (12%), Nigeria và Mozambique (17%), Uganda (21%), còn ở các nước có thu nhập cao, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi chỉ chiếm từ 4 đến 5%.

Có khoảng 200 triệu trẻ em ở châu Phi và hơn 400 triệu ở châu Á sống ở khu vực thành thị. Như vậy, trẻ em nghèo thành thị không phải là một nhóm cá biệt, chúng chiếm một phần quan trọng trong dân số thế giới.

Ở nhiều khu vực thành thị hiện nay, những mối hiểm hoạ về sức khoẻ, sự sinh tồn và tương lai của trẻ liên quan trực tiếp và gián tiếp đến BĐKH. Các khu nhà ổ chuột ở đô thị chiếm số lượng lớn và đang ngày càng gia tăng trên thế giới. Không chỉ có thế, các hoạt động kinh doanh và sinh kế của người dân cũng đang phải đối đầu với nhiều hiểm hoạ do thời tiết khắc nghiệt và nước biển dâng.

Nhiều thành phố lớn nằm ở vùng duyên hải và các vùng có nhiều bão, lốc và bão nhiệt đới đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là tầng lớp dân nghèo thành thị vì họ thường tìm đến những nơi dễ kiếm sống và có thể trú chân. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tác động tiêu cực đến sức khoẻ, sự an toàn và chất lượng cuộc sống nói chung vì đó là những nơi có điều kiện sống khó khăn – lũ lụt, lở đất, gần khu rác thải công nghiệp hoặc thiếu thốn cơ sở vật chất cần thiết để chống chọi và thích nghi với môi trường khắc nghiệt.

Việc họ định cư ở những nơi như thế có thể làm tăng nguy cơ lũ lụt và lở đất do những thay đổi trong hệ thống thoát nước và sự ổn định của đất. Trong khi đó, những người nghèo không thể đầu tư vào các biện pháp phòng chống, càng không thể tìm các nguồn đầu tư lớn. Mặc dù sống trong mối nguy cơ mất mát và tổn thất lớn, họ cũng không nhận được sự trợ giúp nào từ chính quyền địa phương để giảm nguy cơ này.

Cần một kế hoạch thích nghi cho trẻ em đô thị nghèo

Ở thành phố của các nước phát triển, chiến lược thích nghi có thể tập trung vào phòng chống thảm hoạ vì cơ sở vật chất bảo hộ và nhà ở chất lượng cao có thể phục vụ nhu cầu của hầu hết người dân và họ có khả năng đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất cho mục đích thích nghi. Nhưng phần lớn các trung tâm đô thị ở những nước có thu nhập trung bình và thấp đều thiếu những cơ sở vật chất này, vì vậy mức độ rủi ro cao hơn rất nhiều.

Trong những khu vực thành thị này, việc thích nghi với BĐKH và những nguy cơ liên quan thường đồng nghĩa với việc chú trọng đến các biện pháp giảm nhẹ tác động của thiên tai. Cơ sở vật chất hiện đại là một yếu tố quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải có các kế hoạch lâu dài để chuẩn bị đối phó với thảm hoạ và tái xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ở những nơi có điều kiện vật chất, nhà ở và những dịch vụ cơ bản, cần phải xem xét lại hệ thống các tiêu chuẩn và mục tiêu quan tâm tới trẻ em. Cần đảm bảo nguồn cung cấp nước và nâng cấp đường sá nhằm tránh lũ quét, chú ý xem xét mật độ tăng giao thông của cộng đồng và tốc độ của các phương tiện vì các trục đường hiện nay đang là sân chơi chủ yếu của trẻ.

Nhưng vấn đề không dừng lại ở cơ sở vật chất. Ở một góc độ nào đó, việc thiếu quan tâm đến trẻ em cho thấy sự quan tâm chưa đúng mức đối với tác động của BĐKH tới cả xã hội và con người nói chung, so với những ảnh hưởng đến môi trường và kinh tế.

Sự chú trọng vào trẻ em có thể nâng cao nhận thức về tiếp cận và phát triển một chương trình thích nghi của xã hội, của cả nền kinh tế, sức khoẻ tinh thần cũng như sự sinh tồn và phát triển của con người. Sự thích nghi, theo đó, có nghĩa là xem xét các giải pháp khả thi để phát triển và hỗ trợ khả năng đối phó với nhiều nguy cơ liên quan đến BĐKH cho trẻ cũng như cho gia đình và cộng đồng mà trẻ sinh sống.