Bảo vệ và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại Côn Đảo

Ngày 15/6/2007, tại TP. Hồ Chí Minh, Chương trình Việt Nam của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên hoang dã quốc tế – (WWF) – và Vườn quốc gia Côn Đảo đã chính thức công bố những bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học (ĐDSH) biển tại vùng biển Côn Đảo.
Dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH biển và ven biển tại Côn Đảo” kéo dài trong ba năm và đã thu được một số kết quả, hứa hẹn sẽ đạt được những mục tiêu về bảo vệ ĐDSH có tầm quan trọng toàn cầu tại Côn Đảo. Bên cạnh đó, Dự án cũng đã nâng cao kỹ năng quản lý, tăng cường năng lực thể chế và khung pháp lý, đồng thời đảm bảo tính bền vững của ĐDSH biển và ven biển thông qua sự hỗ trợ từ phát triển du lịch sinh thái.

Dự án này được tài trợ bởi Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA), Vườn quốc gia Côn Đảo là đơn vị thực hiện chính cùng với sự tham gia của UNDP. Chịu trách nhiệm về hỗ trợ kỹ thuật cho dự án là WWF Việt Nam.

Giai đoạn đầu của dự án đã đạt được một số thành tựu đáng kể, như đào tạo các cán bộ của Vườn quốc gia và cán bộ huyện về bảo tồn ĐDSH; thiết lập các định tuyến sinh học và kinh tế – xã hội quan trọng; thành lập một Nhóm Tư vấn cộng đồng cũng như đưa ra chiến lược hoạt động cho việc liên kết các hoạt động phát triển cộng đồng và sinh kế bền vững với bảo tồn ĐDSH.
 

Vườn quốc gia Côn Đảo có tầm quan trọng toàn cầu bởi các loài sinh vật, sinh cảnh biển và trên cạn cũng như vị trí đặc biệt của nó. Các vùng nước nông của quần đảo Côn Đảo có nhiều rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Nhận biết được tầm quan trọng về đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Côn Đảo, Kế hoạch hành động đa dạng sinh học của Việt Nam và Chiến lược Quỹ Môi trường toàn cầu quốc gia đều đánh giá Côn Đảo là một vùng có ưu tiên bảo tồn cao nhất.

Ông Lê Xuân Ái, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, đồng thời là Giám đốc Dự án, cho rằng, Vườn quốc gia Côn Đảo mang tầm ý nghĩa toàn cầu do cả sự phong phú của những sinh vật biển nơi đây lẫn môi trường sống trên đất liền và vị trí địa lý của nó. Côn Đảo được coi là vùng ưu tiên về bảo tồn ĐDSH nằm trong Kế hoạch hành động vì ĐDSH Việt Nam và Hệ thống đại diện toàn cầu của các khu bảo tồn biển do Ngân hàng Thế giới lựa chọn. Tuy nhiên, vẫn còn những mối đe dọa đối với thiên nhiên ở đây. Dự án này sẽ hướng tới giải quyết những mối đe dọa ấy bằng việc tăng cường năng lực cho cán bộ địa phương về bảo tồn ĐDSH, nâng cao khả năng hòa hợp giữa bảo tồn với các kế hoạch phát triển kinh tế, đồng thời thiết lập một hệ thống tài chính bền vững cho bảo tồn ĐDSH.

Nhiều ý kiến được đưa ra cho rằng, hiện nay, những tác động có hại đáng kể đối với Côn Đảo là việc khai thác thủy sản quá mức ở một số khu vực, hệ thống luật pháp và chế tài chưa đầy đủ, cũng như sự thiếu vắng vai trò của cộng đồng dân cư trong hoạt động quản lý. Đồng thời, cần xem xét các tác động về môi trường và kinh tế xã hội của các dự án đầy tham vọng về phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng tại đây, để đảm bảo rằng tính ĐDSH mang tầm quan trọng toàn cầu tại Côn Đảo được bảo tồn và người dân địa phương được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế bền vững.

Trong thời gian thực hiện dự án, một loạt các hoạt động sẽ được tiến hành bao gồm các kế hoạch quản lý và theo dõi khu bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái, các hoạt động về truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng, cũng như những sáng kiến về sinh kế thay thế, chiến lược du lịch và du lịch sinh thái bền vững và thành lập Quỹ Ký thác Bảo tồn tại Côn Đảo.