Bảo vệ hành lang an toàn đê biển Tây, Cà Mau

Vùng sông nước Cà Mau vừa hình  thành tuyến đường tuyệt đẹp nằm dọc theo chiều dài con đê biển Tây đến vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang. Từ khi có đường cho đến nay, các vi phạm về hành lang đê biển thường xuyên xuất hiện, đe dọa đến sự an toàn của tuyến đê duy nhất bảo vệ vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau.

Trong nhiều năm liền, mặc dù các  đơn vị chuyên trách tỉnh Cà Mau tăng cường phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở… nhằm bảo đảm hành lang an toàn tuyến đê biển này, thế nhưng các giải pháp đó đều chưa phát huy hiệu quả.

Hành lang an toàn đê biển Tây, Cà Mau.

Vi phạm năm sau cao hơn năm trước

Đê biển Tây có chiều dài khoảng  108 km, qua địa phận ba huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh của tỉnh Cà Mau. Sau cơn bão Linda vào năm 1997, tuyến đê này được bồi trúc lại toàn bộ bằng cơ giới với nền đất cao khoảng 3 m. Mãi đến năm 2010, sau khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang”, tỉnh Cà Mau xây dựng dự án và đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng nâng cấp tuyến đê biển Tây. Đến nay, phần lớn các hạng mục đã hoàn thành, trong đó có công trình xây dựng tuyến đường bê-tông rộng 5,5 m dọc theo chiều dài đê biển, đoạn từ giáp ranh tỉnh Kiên Giang đến thị trấn Sông Đốc, với tổng chiều dài hơn 54 km.

Đường trên đê ngó mặt ra biển Tây, băng qua nhiều xóm dân cư và nhiều vị trí đấu nối với trung tâm các xã bãi ngang ven biển. Đây vừa là lợi thế về giao thông, thương mại và cả về du lịch nhưng cũng là nguyên nhân làm phát sinh ngày càng nhiều trường hợp vi phạm hành lang an toàn đê điều. Nóng nhất là khu vực thuộc xã Khánh Hải, Sông Đốc của huyện Trần Văn Thời. Chỉ riêng khu vực gần cống Bảy Ghe của xã Khánh Hải, ngay trong ngày 18/1 vừa qua, lực lượng quản lý đê điều, kiểm lâm khu vực biển Tây và chính quyền địa phương phát hiện hai vụ việc vi phạm: Hộ ông Huỳnh Văn Phượng và hộ ông Huỳnh Út tự ý đắp đất sát thân đê, dựng nhà tiền chế để làm nơi kinh doanh, buôn bán.

“Thay vì lén lút vào ban đêm  như trước thì gần đây, một số hộ dân ở xã Khánh Hải ngang nhiên bồi trúc mặt bằng đê biển Tây vào ban ngày để kinh doanh, buôn bán, không hợp tác với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, không ký tên vào biên bản vi phạm, gây khó khăn cho lực lượng thực thi công vụ”-ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều thuộc Chi cục Thủy lợi Cà Mau, chia sẻ. Được biết, trong khoảng hai năm gần đây, khi tuyến đường trên đê biển Tây dần hoàn thiện cũng là lúc các hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đê gia tăng.

Báo cáo từ Hạt Quản lý đê điều Cà Mau thể hiện, năm 2020, dọc tuyến đê biển Tây có 15 vụ việc vi phạm (có 5 vụ việc hộ dân vi phạm chấp hành và trả lại hiện trạng) thì trong năm 2021, số vụ vi phạm là 47, mới chỉ 4 trường hợp vi phạm chấp hành trả lại hiện trạng. U Minh và Trần Văn Thời là hai địa phương có nhiều vụ việc vi phạm an toàn hành lang đê điều. Các hành vi vi phạm phổ biến trong dân, như: xây dựng công trình tiền chế trong phạm vi an toàn đê, cả khu vực từ chân đê vào phía đồng và từ chân đê ra phía biển; làm đường bê-tông, cầu dẫn kiên cố và bán kiên cố đấu nối với đường chính trên đê; san lấp mặt bằng làm nhà ở và nơi buôn bán; trồng nhiều loại cây trong khu vực hành lang an toàn đê…

Không để tạo ra tiền lệ

Theo Phó Giám đốc Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, Tô Quốc Nam, đê biển Tây là đê cấp 4 do cấp tỉnh quản lý. Đối chiếu với Luật Đê điều năm 2006, thì hành lang bảo vệ đê biển Tây được tính từ chân đê trở ra 25 m về phía đồng và 200 m từ thân đê trở ra về phía biển. Tại Khoản 5, Điều 7 của Luật Đê điều cũng nói rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó quy định không cho phép xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.

Dù đã có các quy định  rõ ràng trong Luật Đê điều nhưng phần lớn việc xử lý các vụ việc vi phạm hành lang an toàn đê ở Cà Mau trong suốt thời gian qua chủ yếu dừng lại ở mức tuyên truyền, nhắc nhở, vận động, thuyết phục hộ dân trả lại hiện trạng. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau Nguyễn Long Hoai thừa nhận, việc xử lý vi phạm liên quan đê điều thời gian qua ở địa phương gặp nhiều khó khăn và nguyên nhân một phần do Hạt Quản lý đê điều chưa được giao đất và chưa được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Khi phát hiện vi phạm thì phối hợp lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương lập biên bản, sau đó giao về cho địa phương xử phạt, nhưng đến nay chưa xử phạt vụ nào.

Để phục vụ dự án nâng cấp  đê biển Tây nhanh chóng, từ hơn 5 năm trước, tỉnh Cà Mau chủ trương giải tỏa hết những hộ dân sống trên đê, ven đê để bố trí, sắp xếp vào các khu tái định cư, khu dân cư ven biển phía sau đê biển Tây. Đến nay, nhiều khu tái định cư đã hoàn thành và đưa dân vào sinh sống ổn định tại các khu vực như: Hương Mai, Tiểu Dừa, Khánh Hội, Lung Ranh. Chỉ riêng tại khu vực huyện Trần Văn Thời, ngoài khu dân cư Vàm Kênh Tư đã hoàn thiện và đưa dân vào sinh sống, ngành chức năng tỉnh đang triển khai thêm hai dự án tái định cư ven biển tại Đá Bạc và Sông Đốc. Khi hai khu dân cư mới nêu trên hoàn thành sẽ bố trí thêm hơn 300 hộ dân ven đê vào sinh sống ổn định. Trong đó, khu tái định cư Sông Đốc bố trí được hơn 190 hộ; khu tái định cư Đá Bạc được hơn 180 hộ.

Phó Chủ tịch UBND huyện  Trần Văn Thời, Hồ Song Toàn cho biết: Phần lớn hộ dân ven đê biển Tây chấp nhận di dời vào các khu tái định cư để được an toàn và giảm rủi ro khi có thiên tai, triều cường, áp thấp nhiệt đới, bão… Riêng khu vực xã Khánh Hải còn ít nhất 9 hộ chưa chịu di dời nhà. Những hộ này trước đây được giao khoán đất rừng phòng hộ ven biển nhưng hợp đồng đã hết hạn và đã thanh lý vào năm 2015 nhưng vẫn không chịu trả đất và đòi nhiều yêu sách liên quan bồi thường đất đai không phù hợp quy định.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp ngành chức năng của tỉnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục, thậm chí vận dụng những chính sách hiện hành theo đúng quy định nhưng có lợi nhất để người dân đồng thuận di dời vào các khu tái định cư ven biển, không tái phạm các hành vi lấn chiếm, uy hiếp an toàn hành lang đê biển. “Khi các biện pháp tuyên truyền không phát huy hiệu quả, địa phương và ngành chức năng sẽ tổ chức cưỡng chế di dời”- ông Toàn quả quyết.