Thay đổi khí hậu có thể thúc đẩy các cuộc xung đột trong thế kỷ 21

ThienNhien.Net – Hạn hán, lũ lụt và mực nước biển dâng cao liên quan đến việc nóng lên toàn cầu có thể thúc đẩy các cuộc xung đột trong những thập kỷ tới.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học về khí hậu hàng đầu thế giới công bố ngày 06/04 đã cảnh báo: thay đổi khí hậu có thể gây ra thiếu nước và nạn đói cho hàng triệu người, dẫn đến làn sóng di cư ồ ạt và lan nhiễm bệnh tật.

Các nước nghèo trong khu vực nhiệt đới ở châu Phi và châu Á sẽ là những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hiện tượng nóng lên toàn cầu. Điều đó có thể gây ra căng thẳng giữa các nước này với các quốc gia giàu có ở phía bắc – những nước bị buộc tội về việc sử dụng chất đốt hoá thạch nhưng lại thoát khỏi những tác động xấu nhất do sự thay đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Janos Bogardi, người đứng đầu Học viện Môi trường và An toàn con người thuộc trường Đại học Liên hợp quốc (LHQ) ở Bon, việc nóng lên toàn cầu sẽ khiến cho nguy cơ xung đột ngày càng gia tăng. Tác động gần nhất có lẽ sẽ là hiện tượng sa mạc hoá và sự suy thoái đất đai, điều này sẽ buộc hàng trăm triệu người phải rời bỏ nơi họ sinh sống ra trong một thời gian dài.

Không giống như những người tị nạn chính trị có hy vọng quay trở về quê hương, những người tị nạn do khí hậu – những người chịu ảnh hưởng của việc mở rộng sa mạc Sahara (châu Phi) ra vùng lân cận hay những người dân đảo sống trong khu vực thấp so với mực nước biển có nhà bị nhấn chìm do nước biển dâng cao – sẽ vĩnh viễn phải chuyển đi.

Bogardi cũng cho rằng bạo lực ở vùng Darfur thuộc Sudan, nơi 200.000 người đã chết “có thể là ví dụ dễ thấy nhất” của cuộc xung đột phần nào do hiện tượng suy thoái đất đai gây ra.

Về lâu dài, mực nước biển dâng cao do sự tan chảy những khối băng và các sông băng có thể sẽ làm ngập trên diện rộng tại các quốc gia như Bangladesh, buộc hàng triệu người phải di cư và làm gia tăng nguy cơ xung đột do đất đai thu hẹp.

Bên cạnh đó, việc nóng lên toàn cầu có thể làm cho hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn hơn. Báo cáo của LHQ cho thấy các quốc gia như Canada, Nga và nhiều nước châu Âu có thể thu lợi từ những thay đổi khí hậu vừa phải như tăng năng suất thu hoạch mùa vụ. Tuy nhiên, các nước như Ấn Độ và Trung Quốc hay châu Phi sẽ là những nước chịu thiệt hại. Điều này tạo nên sự mất cân đối lớn hơn giữa nguồn tài nguyên và mức sống, do đó xung đột rất dễ xảy ra.

Những thiệt hại về môi trường cũng là nguy cơ tiềm ẩn của khủng bố. Thủ lĩnh của tổ chức Al Qaeda Osama Bin Laden năm 2002 đã buộc tội Mỹ về việc “phá huỷ thiên nhiên với những rác thải công nghiệp và khí ga của nước này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử”.

Tuy nhiên, tác động thực sự của thay đổi khí hậu đến an ninh thế giới vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Paul Roger, Giáo sư nghiên cứu về hoà bình của trường đại học Bradford tại Anh cho rằng thay đổi khí hậu có thể là một vấn đề lớn tiềm ẩn về mặt an ninh song việc tranh chấp mỏ dầu dường như dễ dẫn đến chiến tranh hơn là vấn đề này. Gerald Anderson, đại diện tại Hoa Kỳ của Cục các vấn đề tổ chức quốc tế cũng cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là có nhiều nhân tố chứ không phải chỉ có sự thay đổi của khí hậu gây tác động gián tiếp đến an ninh”.