“Thủy thần” tấn công, nông dân sạt nghiệp

ThienNhien.Net – Hàng nghìn hộ dân sống dọc theo tuyến biển của tỉnh Cà Mau đang lo âu từng ngày vì sự công phá của “thủy thần” cuốn trôi hàng trăm mét rừng phòng hộ ra biển mỗi năm.

Uy hiếp tính mạng người dân

Con đò nhỏ của anh Nguyễn Công Tuấn, ở ấp Rạch Vàm, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau chở chúng tôi ra cửa biển Vàm Xoáy, cách trung tâm xã độ chừng 2km. “Biển được người dân ở đây ví như hung thần. Những con sóng lớn có thể cuốn trôi nhà cửa, tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân chúng tôi bất cứ lúc nào” – anh Tuấn vừa nói vừa chỉ tay ra cửa biển, nơi những con sóng lớn đang đập vào bờ ầm ầm.

Sạt lở bờ biển tại Vàm Sông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) gây ảnh hưởng đến dân cư (Ảnh: Chúc Ly)

Nhìn ra mé biển, những vạt rừng mênh mông ngày trước như “lá chắn” bảo vệ đời sống của người dân xứ Đất Mũi đã không còn. Thay vào đó, những dãy đất nhô lên, lõm xuống, nằm trơ trọi cách xa bờ hàng chục mét. Ông Mạc Văn Thanh, người hơn nửa đời gắn với xứ Đất Mũi cho biết thêm: “Tập tính của người dân ở đây là cất nhà theo các tuyến sông. Nhưng giờ chúng tôi phải chạy làng lên bờ, vì không biết sạt lở diễn ra lúc nào”.

Cán bộ xã Đất Mũi Nguyễn Văn Quốc cho biết, những người có điều kiện thì mua đất phía trên xây nhà kiên cố, còn những người nghèo thì vẫn phải bám trụ lại theo các triền sông. Họ sống bằng nghề đánh bắt tôm, cá ngoài biển. Một năm có người phải tháo dỡ nhà cửa dời lên đôi ba lần để tránh sự sạt lở.

Mất hơn 450ha đất mỗi năm

Trước mắt, chúng tôi thông báo tình hình sạt lở đến người dân, vận động họ di dời đến nơi ở an toàn. Về lâu dài, địa phương đang rất cần nguồn vốn hơn 500 tỷ đồng để xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ; nhưng trước mắt cần 200 tỷ đồng để triển khai các công trình chống sạt lở khẩn cấp”.

Ông Tô Quốc Nam 

Theo đánh giá chung của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cà Mau nói riêng đang đứng trước những thách thức lớn của biến đổi khí hậu, đe dọa sự phát triển của toàn vùng.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết: Hiện tại, tình trạng sạt lở bờ biển của tỉnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Sạt lở diễn ra cả ven biển Đông và biển Tây bình quân từ 20 đến 25m mỗi năm, cá biệt có những nơi lên đến 50m/năm; bình quân mỗi năm bờ biển của Cà Mau sạt lở hơn 450ha.

“Ngành nông nghiệp địa phương đang quan ngại về tình trạng sạt lở ở bờ biển Đông, đe dọa tính mạng, tài sản của hàng nghìn hộ dân. Qua khảo sát năm 2017, bờ biển Đông có 48.000m bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm, trong đó sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài 24.500m. Đặc biệt, trong những ngày đầu tháng 2, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, kết hợp với triều cường dâng cao gây sạt lở nghiêm trọng nhiều đoạn” – ông Nam cho biết thêm.

Theo ngành nông nghiệp địa phương, có đoạn mất đất rừng phòng hộ từ bờ biển tiến sâu vào đất liền từ 50 đến 80m, với chiều dài 10.000m như đoạn: Hồ Gùi, xã Tam Giang Đông (huyện Năm Căn); đoạn Ô Rô, xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển)… Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ vốn theo chương trình ứng phó với biển đổi khí hậu (SP – RCC) cho địa phương ưu tiên thực hiện nhiều dự án như: Xây dựng kè tạo bãi trồng rừng ngập mặn ven biển, xây đê mềm giảm sóng tạo bãi bồi…