Hà Nội: Vẫn còn nhiều khu vực chưa đủ nước sạch

ThienNhien.Net – Theo dự báo, nhu cầu sử dụng nước sạch của thành phố Hà Nội năm 2009 sẽ tăng khoảng 10-12% so với năm 2008, trong khi Công ty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội (KDNSHN) mới chỉ khẳng định đáp ứng tốt mọi nhu cầu trên địa bàn quản lý. Như vậy, sẽ vẫn còn những khu vực chưa thể yên tâm về chuyện nước sạch.

Theo Công ty KDNSHN, tổng công suất khai thác hiện đạt 550.000-614.000m3/ngày-đêm. Trong năm 2009, khi hoàn thành dự án cải tạo trạm sản xuất nước Đông Anh và Nhà máy nước Bắc Thăng Long, nguồn cấp nước sẽ tăng thêm 39.000 m3/ngày-đêm.

Ngoài ra, Công ty đã phối hợp với Công ty Viwaco đưa nguồn nước sông Đà về cấp cho khu vực Tây Nam thành phố, vì vậy sẽ có trên 60.000m3/ngày-đêm được điều chuyển cấp cho các khu vực khác. Với tổng công suất cấp nước như trên, tình hình cấp nước cho khu vực nội thành sẽ ổn định hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Hải – Tổng Giám đốc Công ty KDNSHN cho biết, còn một vài khu vực nhỏ vẫn sẽ xảy ra tình trạng nước yếu một số giờ trong ngày do có cốt địa hình cao hơn các khu vực khác như: Tứ Liên (quận Ba Đình), Đường Láng (quận Đống Đa), Khương Trung (Thanh Xuân), Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), tập thể Giao thông công chính đường Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm).

Người dân thiếu nước sạch trong khi Nhà máy nước hoạt động không hết công suất

Tháng 08/2008, nước từ Nhà máy nước Sông Đà (Tổng Công ty Vinaconex) đã chính thức về đến Hà Nội nhằm cung cấp nước cho khu vực Tây Nam thành phố (chuỗi đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Miếu Môn, Xuân Mai, Hà Nội, Hà Đông). Tuy nhiên, đến nay, Nhà máy mới vận hành được 25% công suất (tương đương 75.000m3/ngày-đêm, trong khi Nhà máy có thể đáp ứng công suất 300.000m3/ngày-đêm).

Ông Vũ Quý Hà, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết, theo đăng ký nhu cầu sử dụng nước của khách hàng và kiểm tra thực tế việc triển khai, tiếp nhận nước của các dự án nằm dọc tuyến đường Láng – Hòa Lạc, hiện tại lượng nước tiêu thụ mới đạt 60.000-75.000 m3/ngày đêm, chủ yếu là từ Công ty Viwaco, sau khi tiếp nhận mạng lưới tiêu thụ nước phía Tây Nam Hà Nội từ Công ty KDNSHN. Trước khả năng tiêu thụ nước hạn chế, hiện Nhà máy Nước Sông Đà chỉ vận hành 1 ca/ngày, tương đương 25% công suất.

Trong khi Nhà máy không chạy hết công suất thì nhiều khu dân cư nội thành Hà Nội như Đại Kim, Định Công, Linh Đàm, Tân Mai… lại thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, vẫn phải cấp bằng xe téc. Nguyên nhân là mạng phân phối để tiếp nhận nước sông Đà vẫn chưa được đầu tư hoặc đang trong giai đoạn đầu tư chưa hoàn thành.

Theo ông Nguyễn Văn Tốn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Vinaconex (đơn vị quản lý vận hành Nhà máy nước Sông Đà), hiện nay nhiều dự án tiếp nhận nước sông Đà triển khai rất chậm nên đến cuối năm 2009 khả năng tiếp nhận sẽ không tăng nhiều. Công ty đang khuyến khích đầu tư các dự án hỗ trợ cấp nước đến từng hộ tiêu thụ để tăng sản lượng tiêu thụ nước, đồng thời giải quyết tình trạng thiếu nước cho nhiều khu vực.

Công ty KDNSHN cho biết, đang triển khai một loạt dự án phát triển ống truyền dẫn trên các tuyến Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh… để tiếp nhận nguồn nước sông Đà đúng kế hoạch, cung ứng vào sâu nội thành.

Với dự báo nhu cầu tiêu thụ nước sạch của thành phố tăng lên 1,2 triệu m3/ngày-đêm, trong khi nguồn nước ngầm có hạn, chắc chắn nước sông Đà sẽ là nguồn cung cơ bản cho Hà Nội những năm tới.

Theo số liệu thống kê, hiện toàn thành phố Hà Nội mới có 38,5% người dân được cấp nước bằng hệ thống cấp nước đô thị, trong đó 9 quận nội thành tỷ lệ được cấp nước sạch là 94,8%; 5 huyện ngoại thành là 15%; Hà Đông 91%; Sơn Tây 72%; 8 huyện của Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh mới được cấp khoảng 1%.
Hiện nguồn cấp nước cho toàn địa bàn thành phố Hà Nội mở rộng do 4 công ty cấp nước đảm nhận: Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội, Công ty Viwaco, Công ty cấp nước Hà Đông và Công ty cấp nước Sơn Tây. Ngoài ra còn một số nguồn tự khai thác, các trạm sản xuất mini cung cấp nước tại một số khu đô thị, dân cư do các chủ tự khai thác, quản lý và kinh doanh như khu đô thị Định Công, Trung Hoà, Nhân Chính…