Buôn bán động vật hoang dã qua mạng – Cần chặn đứng

ThienNhien.Net – Những nhà bảo tồn cho biết ngày nay những kẻ buôn bán trái phép động vật hoang dã có một đồng minh mới: mạng internet. Lynne Levine, người phát ngôn của Quỹ Quốc tế bảo vệ động vật (IFAW) phát biểu: “Nạn buôn lậu đang tăng lên theo cấp số nhân do sự mua bán qua internet khá dễ dàng”.

Nhóm của Levine đã gửi thư đến eBay (thị trường trực tuyến toàn cầu) tại châu Âu yêu cầu các sàn giao dịch qua Internet phải từ chối việc mua bán động vật hoang dã và các bộ phận cơ thể chúng, dù cho chúng đã bị chế biến thành những sản phẩm hoàn toàn khác như nệm ghế, bộ cờ hay những vật trang trí, đặc biệt là đối với những sản phẩm từ sừng tê và ngà voi.

Mỹ là một trong những thị trường buôn bán các sản phẩm từ ngà voi bất hợp pháp lớn nhất. Trong một cuộc điều tra của tổ chức Chăm sóc động vật hoang dã quốc tế (Care for Wild International) đã phát hiện ra 23.000 món đồ từ ngà voi tại 15 thành phố của Mỹ. Tại nhiều thành phố, có đến nửa số sản phẩm là bất hợp pháp và có nguồn gốc sản xuất tại Trung Quốc. Việc buôn bán trực tiếp dần chuyển sang hình thức qua mạng. Hiện nay, chính phủ Mỹ cũng đã kết hợp chặt chẽ với eBay và lần ra các đầu mối buôn bán bất hợp pháp ngà voi.

Được biết, phần lớn các hàng hoá được buôn bán bất hợp pháp qua internet là ngà voi và điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia có voi sinh sống. Levine cho biết trong vòng 18 tháng qua đã có 26 tấn ngà voi đã bị tịch thu trên phạm vi toàn thế giới và đó có thể chỉ là 1/10 khối lượng buôn bán trên thực tế. Riêng qua sàn đấu giá eBay của Mỹ, Levine đã liệt kê được 385 món đồ từ ngà voi, từ những đồ nữ trang nhỏ đến những con tàu nguy nga dài tới 1,5m và có giá khởi điểm 30.000 USD. Địa chỉ của ngườI bán ở New York cũng được niêm yết công khai.

Một vài vật phẩm trên sàn eBay của Mỹ tự dán nhãn cho mình là “ngà voi trước lệnh cấm”. Nhưng theo Levine, một ngườI đã từng ví việc buôn bán ngà voi như là buôn bán kim cương không qua kiểm định, thì những nhãn mác như vậy chẳng có ý nghĩa gì, và thậm chí ngay cả những chứng chỉ về nguồn gốc sản phẩm từ ngà voi trước lệnh cấm quốc tế 1947 cũng không làm nâng giá trị của sản phẩm lên bởi việc thực thi lệnh cấm này bấy lâu nay vốn đã rất lỏng lẻo.

Chiến dịch nhằm vào eBay của nhóm đã thu được kết quả vì tại các quốc gia mà các nhà hoạt động đã tiếp cận eBay và các sàn đấu giá khác việc chào bán các sản phẩm từ ngà voi đã giảm tới 98%, điển hình là ở Đức, quốc gia sẽ trở thành mũi nhọn để các nhà bảo tồn đề xuất việc thực thi quản lý buôn bán qua Internet tại cuộc họp lần thứ 14 của CITES ở Hague (Hà Lan) diễn ra từ 3-15 tháng 6.

Một tờ nhật báo Zimbabwe cho biết trong vòng 3 năm qua nước này đã mất đi 40 cá thể tê giác đen trong các khu bảo tồn và các vườn quốc gia mặc dù Công ước về buôn bán quốc tế và các loài động, thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng (CITES) đã có lệnh cấm các quốc gia thành viên không được phép buôn bán các sản phẩm có nguồn gốc từ tê giác.

Bà Maunze, Quỹ động thực vật hoang dã quốc tế, phát biểu: “Chúng tôi rất lo lắng về sự gia tăng nạn săn bắn trộm tại các khu bảo tồn. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc hướng các cộng đồng dân cư sinh sống quanh các khu bảo tồn thiên nhiên tham gia vào công tác quản lý động vật hoang dã như một số nơi đang thực hiện. Đây một biện pháp khả thi hơn về mặt kinh tế và phù hợp với yêu cầu thực tế hơn là để họ duy trì hệ thống chăn nuôi gia súc theo truyền thống.” Năm ngoái, Nam Phi đã phải di dời hơn 100 cá thể tê giác tại một khu bảo tồn ở miền Nam Matabeleland sau khi xảy ra liên tiếp các vụ săn trộm các động vật quý hiếm.”

Levine cũng nhận xét rằng đối với các quốc gia thành viên CITES, việc thực thi sẽ khó khăn hơn nhiều so với việc đề ra các quy định phù hợp. Ngay cả Pháp, được đánh giá là nước có những quy định hoàn hảo nhất trong các sàn giao dịch eBay quốc tế, cũng gặp trở ngại trong việc thi hành.

Tin mới nhất

Vào đúng Ngày Môi trường Thế giới 5/6 vừa qua, eBay đã tuyên bố trong hội nghị CITES diễn ra tại Hague rằng họ sẽ cấm việc buôn bán các sản phẩm ngà voi xuyên biên giới. Quyết định này được đưa ra sau khi một nghiên cứu của nhóm bảo tồn cho biết có tới 90% các món đồ từ ngà voi được rao bán trên Internet là bất hợp pháp. Theo quy định này, tất cả các sản phẩm từ ngà voi đều bị cấm buôn bán qua mạng quốc tế, chỉ trừ những sản phẩm từ ngà voi có nguồn gốc trước quy định của CITES năm 1975 hoặc từ kho dự trữ các quốc gia sau này được cấp phép mua bán ưu đãi một lần.

Tuy nhiên, lệnh này sẽ áp đặt đối với việc buôn bán quốc tế mà không áp dụng trong phạm vi quốc gia. Mỗi nước sẽ ban hành những quy định riêng tuỳ theo từng điều kiện cụ thể.

Nhận xét về lệnh cấm mới của eBay, Peter Prueschel, một chuyên gia bảo tồn cho rằng rất khó để phân biệt phạm vi buôn bán trong nước và quốc tế, vì vậy sớm muộn cũng sẽ phải áp dụng lệnh cấm hoàn toàn. Còn eBay thì cho rằng lệnh cấm này sẽ giúp những người có ý định mua các món đồ từ ngà voi một cách chân chính sẽ cảm thấy tự tin hơn.

IFAW, tổ chức đã đàm phán việc áp dụng lệnh cấm với eBay, khuyến cáo rằng cần phải thông báo rộng rãi quyết định mới này đến tất cả 171 quốc gia thành viên CITES nhằm thắt chặt cơ chế thương mại, ngăn chặn hiệu quả hơn nạn săn bắn voi.