Bắn hạ gấu sổng chuồng tại Bình Dương

Vào lúc 10 giờ ngày 22-6, lực lượng Công an tỉnh Bình Dương phối hợp quân đội và kiểm lâm đã bắn hạ con gấu sổng chuồng (ảnh) tại khu rừng tre của khu du lịch Đại Nam (rộng khoảng 200ha). Gấu nặng khoảng 1,5 tạ, chưa xác định được tuổi, chủ nuôi là ông Nguyễn Văn Lục – Hiệu trưởng Trường Trung học Kinh tế Bình Dương, tại ấp 2, xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Chiều 22-6, ông Đoàn Văn Tràng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Dương cho biết, sau khi bắn hạ, đoàn kiểm tra đã lập biên bản cho thiêu hủy. Ông khẳng định con gấu trên đúng là con gấu của ông Lục nuôi, vì nó đã gắn chíp điện tử theo dõi đúng theo quy trình kiểm dịch. Ông cho rằng, gấu sổng chuồng là chuyện bình thường.
Do người nuôi sơ hở, bất cẩn khi cho ăn, chăm sóc không kiểm tra lại cổng chuồng. Sau tai nạn đáng tiếc xảy ra, chi cục kiểm lâm sẽ tăng cường việc quản lý hơn nữa. Các chủ trại, chủ hộ nếu chưa bảo đảm an toàn, sẽ được nhắc nhở, và nếu tiếp tục vi phạm sẽ bị phạt hành chính, tịch thu thú, thậm chí có thể sẽ bị truy tố. Ông khuyến cáo nếu có chủ trại nào cảm thấy việc nuôi gấu là không an toàn, có thể giao thú cho chi cục, chi cục sẽ tổ chức đưa gấu về trạm cứu hộ của Vườn quốc gia Cát Tiên trước khi thả chúng lại vào rừng.

Các hộ, đơn vị nuôi động vật hoang dã có đăng ký với Chi cục Kiểm lâm Bình Dương được nơi đây kiểm tra, hướng dẫn về mặt kỹ thuật nuôi cũng như điều kiện chuồng trại bảo đảm an toàn tính mạng cho người xung quanh. Nhưng, trên thực tế có quá nhiều gấu đã “lỡ” bị bắt và nuôi để lấy mật, cho nên các cơ quan quản lý đành phải cho phép người dân nuôi và tìm những biện pháp quản lý chặt chẽ số thú nuôi này, sao cho số lượng của chúng không tiếp tục tăng hơn nữa. Hiện tại Bình Dương có trên 600 con gấu đang nuôi nhốt có gắn chíp điện tử theo dõi. Đó là chưa kể vẫn còn nhiều hộ nuôi một cách tự phát, không thông qua các cơ quan chức năng, điều kiện chuồng trại không đạt tiêu chuẩn, nguy cơ thú dữ sổng chuồng rất cao.

Tiến sĩ Phan Việt Lâm, Phó Giám đốc Thảo Cầm viên TPHCM cho biết, qua đợt kiểm tra tại Bình Dương hiện có 4 cơ sở nuôi động vật hoang dã chưa đảm bảo an toàn về chuồng trại. Tường rào thấp, song sắt yếu, lưới bảo vệ thưa… so với quy định.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia về động vật hoang dã, ngành nông nghiệp Bình Dương cần thành lập các hiệp hội chăn nuôi động vật hoang dã, để tập trung quản lý những hộ nuôi cũng như phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

Theo Nghị định số 18-HĐBT ngày 17-1-1992, ban hành Danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý hiếm và quy định chế độ quản lý, bảo vệ trong đó nêu rõ: Các loài gấu hiện đang sinh sống trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam, được xếp loại động vật hoang dã quý hiếm (gấu chó: nhóm IB, gấu ngựa: nhóm IIB), nghiêm cấm săn bắt, khai thác và sử dụng dưới mọi hình thức. Thế nhưng, những năm gần đây, trên địa bàn Bình Dương, mặc dù không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, nhưng có nhiều hộ gia đình nuôi gấu nhốt, lấy mật bán thu lợi lớn và gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến việc săn bắt gấu sống ở môi trường tự nhiên hoang dã tăng nhanh.