Ô nhiễm môi trường sẽ xoá xổ ngành nuôi thuỷ sản

Tại buổi toạ đàm với chủ đề “Thuỷ sản và môi trường" do Đài PT-TH TP Cần Thơ phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức chiều ngày 1/6/2007 vừa qua, các nhà môi trường đã cảnh báo: nếu không có các biện pháp khắc phục, 3 năm nữa, ô nhiễm môi trường sẽ xoá xổ ngành nuôi thuỷ sản.

Theo các nhà khoa học, ĐBSCL có khoảng 6.800 ha mặt nước nuôi thuỷ sản nhưng nguồn nước mặt đã bị ô nhiễm. Khoảng 3 năm nữa, khi diện tích nuôi thuỷ sản của vùng ĐBSCL phát triển lên 10.000 ha thì mức độ ô nhiễm môi trường sẽ nghiêm trọng hơn. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Thuỷ sản sớm hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết vùng nuôi thuỷ sản ở ĐBSCL và áp dụng các hình thức chế tài các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Khuyến nghị các tỉnh trong vùng ĐBSCL chỉ nên phát triển diện tích nuôi thuỷ sản thâm canh trong vùng quy hoạch và kiểm soát môi trường bằng mô hình thích hợp; phần diện tích ngoài quy hoạch chỉ nên nuôi quảng canh hoặc nuôi sinh thái với mật độ thấp.

8 tháng qua, các nhà máy chế biến ở luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Nhiều nhà máy, trong từng thời điểm chỉ khai thác 50% công suất thiết kế. Khi cung cầu mất cân đối, giá cá tra tăng, lợi nhuận cao nên diện tích nuôi cá liên tục mở rộng ở nhiều tỉnh ở ĐBSCL.Từ đầu năm đến nay, An Giang đã phát triển thêm trên 200ha nuôi mới, trong đó chỉ có 55ha nằm trong vùng qui hoạch nuôi trồng thủy sản và phần lớn người nuôi đều không đăng ký. ĐBSCL có 60 nhà máy chế biến, mỗi ngày cần 3.000 tấn cá nguyên liệu.

Giá cả tăng, để chủ động nguyên liệu, nhiều công ty ở An Giang đã tổ chức vùng nuôi riêng biệt. Công ty này làm, công ty khác làm như một cuộc đua không mệt mỏi. Thậm chí nhiều người săn đất ruộng đào ao thả cá. Giá thuê đất tăng từ 90 –150 triệu đồng một công đất (1.000 m2). Tuy nhiên, đây là cuộc chơi chuyên nghiệp nên chỉ có những người làm chủ kỹ thuật mới thành công. Còn lại nhiều người chỉ có vốn, nhưng không rành kỹ thuật , dễ thua lỗ. Năm nay, sản lượng cá tra toàn vùng có thể lên tới 1.000.000 tấn, càng muốn đẩy nhanh sản lượng thì môi trường càng xấu hơn do ý thức bảo vệ mội trường kém.