Sẽ hiếm có mùa lũ đẹp

Những năm gần đây, mùa lũ (mùa nước nổi) ở ĐBSCL là lũ nhỏ, còn lũ lớn đã “vắng bóng”. Nhiều lo ngại trong tương lai vùng này sẽ không còn lũ, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế và cuộc sống của người dân đồng bằng

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam (SIWRR), từ đầu năm đến nay, mưa trái mùa xuất hiện trong tháng 1, tháng 2 trên hầu khắp các tỉnh, thành ĐBSCL với tổng lượng phổ biến từ 10-30 mm. Trong tháng 3, 4 xuất hiện mưa ít. Tổng lượng mưa trong tháng 5 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 10%-20%; tháng 6 thấp hơn TBNN 5%-10%, tháng 7 cao hơn TBNN khoảng 20%-35%, tháng 8 thấp hơn TBNN khoảng 15%-20%.

Lũ nhỏ

Về diễn biến nguồn nước đầu nguồn sông Cửu Long, tại Tân Châu có mực nước lớn nhất ngày 20-9 đạt 2,7 m, thấp hơn TBNN (1996-2022) là 0,78 m, thấp hơn năm 2019 là 0,86 m và thấp hơn nhiều các năm 2000, 2011. Tại Châu Đốc, mực nước lớn nhất ngày 20-9 đạt 2,44 m, thấp hơn TBNN 0,63 m, thấp hơn năm 2019 0,61 m, cao hơn năm 2015 0,35 m nhưng thấp hơn các năm 2000 và 2011.

“Dự báo tổng lượng mưa năm 2023 khoảng 1.350 mm, chỉ cao hơn 1% so với năm 2015 (năm hạn hán gay gắt) và thiếu hụt khoảng 13% so với TBNN. Từ kết quả của dự báo mưa, dự báo dòng chảy và tích lũy nước từ các hồ chứa ở khu vực thượng lưu, dự báo mùa lũ năm nay ở ĐBSCL là lũ nhỏ, diễn ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10” – PGS-TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng SIWRR, dự báo.

Tranh thủ mùa nước nổi vừa lên, người dân đánh bắt cá kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Vĩnh Kỳ

Hiện nay, lũ thượng nguồn đang ở mức thấp và dự báo có xu thế giảm trong tuần tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức thấp. Tuy nhiên, theo nhận định của các tổ chức trong và ngoài nước, từ nay đến cuối mùa lũ vẫn còn xuất hiện các cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có nguy cơ gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mê Kông. Ngoài ra, tình hình nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc vào vận hành nhiều hồ thủy điện ở thượng lưu, nên việc dự báo như trên là dựa theo quy luật chung. SIWRR kiến nghị các địa phương ĐBSCL phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo để kịp thời xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp.

Nguy cơ cho đồng bằng

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, hằng năm, lũ ở ĐBSCL gây ngập một vùng rộng lớn từ 1,2 triệu – 1,9 triệu ha, với độ sâu từ 0,5-4,0 m. Trước năm 2000, lũ phân bố theo tỉ lệ 41% lũ lớn (mực nước tại Tân Châu hơn 4,5 m, tổng lượng lũ trên 400 tỉ m3), 46% lũ trung bình (mực nước tại Tân Châu từ 4,0-4,5 m, tổng lượng lũ 350-400 tỉ m3) và 13% lũ nhỏ (mực nước tại Tân Châu nhỏ hơn 4,0 m, tổng lượng lũ nhỏ hơn 350 tỉ m3).

Trong khoảng hơn 10 năm gần đây, phân bố lũ ĐBSCL có xu thế tăng dần số năm lũ trung bình và nhỏ do cả hai yếu tố tự nhiên và điều tiết hồ chứa ở thượng lưu. Sau các trận lũ lớn năm 2000, 2001 và 2002, 13 năm liền (từ 2003-2015) ĐBSCL chỉ có lũ vừa đến nhỏ (trừ lũ năm 2011), thậm chí cực nhỏ (lũ năm 2015). Từ năm 2021 đến nay, ĐBSCL cũng chỉ xuất hiện lũ nhỏ. Qua tính toán của các nhà khoa học, hiện tần suất xuất hiện lũ lớn ở đồng bằng từ 7%-10% (tức 10-15 năm xảy ra một trận lũ lớn); đến năm 2040, tần suất chỉ còn 1%, nghĩa là mất hoàn toàn lũ lớn và phải trên 100 năm mới xuất hiện một lần và ĐBSCL sẽ không còn phù sa. Ngoài ra, tổng lượng lũ vào ĐBSCL từ 380 – 420 tỉ m3 và kéo dài 5-6 tháng như trước đây nay chỉ còn khoảng 330-350 tỉ m3 và kéo dài trong 3-4 tháng.

Thêm vào đó, gần 50% vùng ngập trung bình và 30% vùng ngập sâu đã được các tỉnh tiến hành kiểm soát lũ để sản xuất vụ hè thu và thu đông, khiến khả năng trữ lũ của toàn ĐBSCL giảm chỉ còn hơn một nửa so với trước đây (5 tỉ – 7 tỉ m3 xuống 3 tỉ – 4 tỉ m3).

ThS Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, cho rằng năm nay các đập thủy điện ở Trung Quốc trữ nước rất nhiều, hiện lên gần 7 tỉ m3; trong khi mưa không nhiều nên lưu lượng nước về ĐBSCL giảm. “Trước đây, ĐBSCL thường xuất hiện lũ lớn mang phù sa, tôm cá… và nó nằm trong quy trình hình thành đồng bằng. Nhiều năm nay, lũ nhỏ thường xuyên xuất hiện, thiếu phù sa nên việc bồi tụ cho đồng bằng cao lên thì không đủ so với độ lún tự nhiên, khi thủy triều dâng sẽ khiến đô thị ngày càng ngập sâu. Bên cạnh đó, cá, tôm cũng ít đi, đa dạng sinh học thay đổi… Những biến đổi trên làm ảnh hưởng đến sinh kế và cuộc sống của người dân đồng bằng trong tương lai” – ThS Kỷ Quang Vinh nhấn mạnh.

Tất bật nghề săn bắt

Dù mùa nước nổi năm nay về thấp hơn năm rồi nhưng người dân các huyện đầu nguồn An Phú (tỉnh An Giang) và Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) vẫn đang tất bật khai thác thủy sản kiếm thêm thu nhập. Năm nay, ông Nguyễn Văn Mạnh (ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự) vẫn sắm sửa 40 tay lưới để giăng bắt cá chạch đồng. “Năm nay, cá vẫn nhiều dù nước nhỏ. Mấy ngày gần đây tôi kiếm được khoảng 6 – 10 kg cá chạch mỗi ngày. Cá có giá khoảng 150.000 đồng/kg nên cũng kiếm thêm thu nhập ổn. Nhưng thời gian làm được nghề này ngắn, tôi tranh thủ làm được ngày nào hay ngày đó” – ông Mạnh nói thêm.

Có điều kiện sang các đồng ngập nước tại Campuchia, người dân xã Phú Hội, huyện An Phú đã khai thác thủy sản hơn một tháng qua, lượng cá bắt được nhiều, nhưng chưa đúng kỳ vọng của những “ngư dân nửa mùa” nơi đây. Ông Phạm Hữu Thạnh (ngụ xã Phú Hội) cho hay mùa nước nổi năm nay về muộn hơn năm rồi, nên đặt dớn bắt được cá ít hơn. “Mùa nước nổi năm nào tôi cũng sang Campuchia đặt dớn. Giá mua lô năm nay cao hơn năm rồi nhưng cá lại bắt được ít hơn. Mong sao từ đây đến cuối vụ khá hơn” – ông Thạnh nói.

V.Kỳ