Chương trình nghiên cứu lớn nhất về địa cực

ThienNhien.Net – Năm quốc tế về địa cực (IPY) 2007-2008 đã chính thức bắt đầu từ ngày 01/03/2007. IPY là chương trình của Hội đồng khoa học quốc tế (ICSU) và Tổ chức khí tượng thế giới (WMO). Đây cũng là chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế lớn nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.

Trong năm địa cực này, hàng ngàn nhà khoa học từ hơn 60 quốc gia và từ rất nhiều ngành khoa học khác nhau sẽ tiến hành 220 dự án hỗ trợ và nghiên cứu khoa học trên 6 vấn đề chính:

Hiện trạng: xác định hiện trạng môi trường của khu vực địa cực

Sự thay đổi: lượng giá và tìm hiểu sự thay đổi môi trường – xã hội trong quá khứ và hiện tại của vùng cực, đồng thời cải thiện những kế hoạch thay đổi trong tương lai.

Kết nối toàn cầu: nâng cao nhận thức của con người về mối liên hệ và sự tác động qua lại giữa vùng cực với các vùng còn lại của thế giới, cũng như về tiến trình kiểm soát các mối liên hệ này.

Những lĩnh vực mới: nhằm khám phá những lĩnh vực khoa học mới ở vùng cực.

Lợi thế: sử dụng những ưu thế độc nhất của vùng cực, phát triển và tăng cường những đài quan sát Mặt trời và vũ trụ từ mặt đất.

Khía cạnh con người: nghiên cứu các tiến trình văn hoá, lịch sử, xã hội hình thành nên sự ổn định của cộng đồng dân cư vùng cực và khám phá sự đóng góp đặc biệt của họ tới đa dạng văn hóa và mối quan hệ cộng đồng toàn cầu.

Chương trình này cũng nhằm mục đích giáo dục và kêu gọi cộng đồng tham gia, đồng thời hỗ trợ việc đào tạo những thế hệ kĩ sư, nhà khoa học và các nhà lãnh đạo trẻ.

Các Năm quốc tế địa cực trước đây là: 1882-1883, 1932-1933, 1957-1958 (còn gọi là Năm địa lí quốc tế) đều cung cấp thêm một lượng lớn tri thức về Trái Đất. IPY 2007-2008 sẽ khởi đầu một kỉ nguyên mới trong khoa học về vùng cực với việc tập trung vào những nghiên cứu khoa học liên ngành, bao gồm: vật lí, sinh học, khoa học xã hội cùng với sự hợp tác chặt chẽ với cư dân địa phương và các nhà giáo dục.

Giáo sư Thomas Rosswall, Giám đốc điều hành Hội đồng khoa học quốc tế, giải thích: “So với những năm địa cực trước kia, chúng tôi đã lên kế hoạch cho một chương trình lớn hơn gồm tất cả các ngành có liên quan về cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội. IPY là một ví dụ tiêu biểu của việc phát huy sức mạnh khoa học quốc tế vì lợi ích của toàn xã hội. Đó cũng chính là nhiệm vụ của ICSU”.

Nhằm khẳng định đầy đủ và công bằng mức độ ảnh hưởng của cả Bắc Cực và Nam Cực, IPY sẽ kéo dài trong 2 chu kì năm, từ tháng 03/2007 đến tháng 03/2009.

Những vấn đề ưu tiên của IPY

1. Sự thay đổi của băng và tuyết: IPY ra đời trong thời điểm có rất nhiều bằng chứng về sự thay đổi của băng và tuyết: sự suy giảm về quy mô và khối lượng của sông băng và các tảng băng, suy giảm về khu vực, thời điểm và thời gian tuyết phủ, về phạm vi và độ dày của băng trên biển. Những thay đổi về độ bao phủ của tuyết và băng trên biển đã gây ra những tác động mang tính khu vực đối với hệ sinh thái biển và hệ sinh thái mặt đất. Băng vĩnh cửu ở vùng cực – chiếm gần 25% diện tích đất bắc bán cầu – cũng có dấu hiệu phân rã nghiêm trọng do khí hậu nóng lên. Băng vĩnh cửu tan sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh học và thuỷ văn, cũng như tính ổn định của đất đai và bờ biển các khu vực.

2. Mối liên hệ toàn cầu: những thay đổi của phần lớn băng trên biển sẽ tác động đến mực nước biển toàn cầu, ảnh hưởng đến những thành phố ven biển và những vùng thấp. Những thay đổi về lượng tuyết rơi và sông băng co hẹp sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người đang ngày ngày sử dụng nước cho sinh hoạt cá nhân hay cho nông nghiệp vốn phụ thuộc vào lượng băng và tuyết. Băng vĩnh cửu tan rã sẽ giải phóng một lượng lớn cacbon lạnh, làm gia tăng hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Những thay đổi về băng trên biển cùng với lượng nước ngọt từ sông đổ vào biển tăng lên dẫn đến những thay đổi lớn trong lưu lượng nước biển. Sự ấm lên của biển vùng cực cùng với sự thay đổi về độ bao phủ của băng và lượng nước từ sông đổ vào biển sẽ làm thay đổi hệ sinh thái biển gây ảnh hưởng lớn đến nghề đánh bắt hải sản trên quy mô toàn cầu.

3. Cư dân vùng cực: những thay đổi ở vùng cực xảy ra không phải ở nơi đâu xa xôi mà trong cuộc sống thường ngày của hơn 4 triệu cư dân trên hành tinh này. Dân cư phía bắc đang phải đối mặt với những thay đổi về môi trường tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và hệ thống cung cấp thực phẩm – những thay đổi nhanh chóng trên diện rộng vượt ngoài tầm hiểu biết thông thường và kinh nghiệm hiện có. Họ cũng phải đối mặt với những đe doạ về sức khoẻ, một phần do các chất ô nhiễm được đưa từ vùng khác đến và do sức ép ngày càng gia tăng từ phát triển và thương mại hóa.

4. Sự khám phá: Với hầu hết các nhà khoa học IPY có ý nghĩa cấp thiết và khuyến khích sự khám phá. Những bí mật nào, những đầu mối nào về quá khứ của hành tinh đang ẩn sâu dưới lớp băng kia? Sự sống tồn tại thế nào trong bóng đêm và giá lạnh? Những đặc điểm thích nghi nào về cấu trúc và sinh lý phù hợp với môi trường nước lạnh và sinh sản trong đại dương? Quang hoá học có sức mạnh gì khi những tia nắng đầu tiên của mùa xuân làm tan chảy băng tuyết? Các loài vi khuẩn ở vùng mặt biển có ảnh hưởng thế nào đến lớp mây ở vùng không khí bên trên? Điều kì diệu nào trong hành vi, ngôn ngữ và tri thức đã cho phép con người tồn tại ở Bắc cực trong hàng ngàn năm? Liệu có phải những lớp băng rắn chắc chứa đựng tiến trình lịch sử và vẫn chưa thay đổi quá nhanh? IPY tạo ra cơ hội có một không hai để vươn tới những ranh giới trí tuệ, khám phá những khu vực bí ẩn và phát triển những khái niệm và lí thuyết mới, đưa ra những dự đoán, đánh giá, giới thiệu và những khám phá trong tương lai dựa trên tinh thần hữu nghị và hợp tác quốc tế.