Báo chí Mê Kông nhìn vào Trung Quốc

ThienNhien.Net – Sau bốn ngày thảo luận sôi nổi, Diễn dàn Báo chí Mê Kông với sự góp mặt của trên 200 đại biểu, trong đó hơn 100 nhà báo đến từ 6 quốc gia trong lưu vực, đã kết thúc ngày 12/12/2009 tại tỉnh Chiềng Mai, Thái Lan. Tuy có đụng chạm tới những chủ đề được cho là "khá nhạy cảm" song, như nhận xét của Trung tâm Dịch vụ Báo chí Quốc tế (IPS), các ý kiến được đưa ra một cách thẳng thắn và phản ánh đa chiều. Thái độ của Trung Quốc đối với khu vực Mê Kông vẫn là một trong những vấn đề được quan tâm hơn cả.


“Người láng giềng đầy quyền lực”, “quyền lực đang lên“,… là những cụm từ khá phổ biến khi người ta nói về Trung Quốc trong suốt diễn đàn. Một vài nhà báo cho biết cảm nhận của họ về đất nước này pha trộn những sắc thái khác nhau.

“Có hai Trung Hoa” – Nguon Serath, phụ trách biên tập của tờ Tia Sáng (tờ nhật báo lớn nhất Cam pu chia) nói – “Một Trung Hoa với tư cách nhà đầu tư lớn nhất của Cam pu chia. Có thể nói đó là một bức tranh tươi đẹp. Nhưng bên cạnh đó, cũng có một Trung Hoa khác, dựng nên những con đập trên dòng Mê Kông gây sự bất mãn cho những cộng đồng sinh sống vùng hạ lưu và một làn sóng phản đối.”

Các nhà ngoại giao Trung Quốc cố gắng lôi câu chuyện đê đập ra khỏi những con mắt đầy xoi mói của diễn đàn, lý giải rằng dòng Lan Thương (nơi thượng nguồn Mê Kông thuộc địa phận Trung Quốc) chỉ chiếm có 16% tổng lưu lượng cả dòng sông, không thể nào có những tác động to lớn như vẫn bị chỉ trích lâu nay.

Họ cũng vin vào báo cáo của Uỷ ban Sông Mê Kông khẳng định sự vô can của đập thuỷ điện Trung Quốc đối với trận lụt lịch sử tại Viêng Chăn năm ngoái. Tuy nhiên, những lời biện hộ này thường bị báo chí trong khu vực và thậm chí cả báo chí Trung Quốc bỏ ngoài tai.

Thu hẹp khoảng cách truyền thông

Johanna Son, thành viên IPS nhận xét rằng có một khoảng cách về truyền thông thông tin giữa các nước và các cộng động dân cư giữa vùng thượng lưu và hạ lưu Mê Kông. Điều này lý giải vì sao một số nhà báo và một bộ phận độc giả Trung Quốc tỏ ra ngỡ ngàng trước sự thịnh nộ của cộng đồng hạ lưu đối với những con đập thuỷ điện của Trung Quốc.

Zhu Yan, phụ trách biên tập Đài truyền hình Trung Hoa, thường trú tại Bắc Kinh, tỏ ra ngạc nhiên: “Tôi kỳ thực không ngờ rằng vấn đề đập thuỷ điện của Trung Quốc lại hâm nóng diễn đàn đến như vậy”. Ông cho biết đối với báo chí tại thủ đô Bắc Kinh, đó không hề là một vấn đề gây chú ý, đồng thời thừa nhận “có lẽ các nhà báo phía Nam và ở Hồng Công nắm rõ vấn đề hơn chúng tôi”.

Dần dà, báo chí truyền thông tại các nước vùng hạ lưu Mê Kông cũng đã để ý hơn đến trách nhiệm của Trung Quốc đằng sau sự suy giảm lưu lượng dòng chảy sông cũng như các vấn đề khác liên quan đến nước.

Sự theo dõi sát sao của báo chí khu vực đối với các động thái Trung Quốc thể hiện sự bao trùm quyền lực mềm của quốc gia này lên khu vực. Điều này có liên quan đến thập niên 90 của thế kỷ trước, khi hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ĐNÁ được nối lại, cải tổ hình ảnh Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong khu vực.

Tuy nhiên, thái độ của Trung Quốc đối với vùng Mê Kông, kể từ khi xây dựng con đập đầu tiên trên dòng chính Mê Kông vào năm 1993, và rồi sau đó là năm 2005 với con đập thứ hai, đã gây nên phản ứng mạnh mẽ.

Một số ý kiến cho biết báo chí khu vực rất khó tiếp cận để có được quan điểm chính thức của Trung Quốc, mặc dù các đồng nghiệp Trung Quốc cho biết khả năng tiếp cận và khai thác thông tin ở Trung Quốc đã khả quan hơn rất nhiều. Ngôn ngữ khác biệt cũng là một trong những trở ngại đối với báo chí khu vực khi tiếp cận quốc gia này.

Tuy Diễn đàn lần này vẫn rớt lại đằng sau một số vấn đề chưa được bàn luận sâu, nhưng có một điều mà nhiều nhà báo công nhận, Diễn đàn không chỉ mở rộng nhận thức và kiến thức cho các thành viên tham gia mà còn giúp kết nối họ gần nhau hơn.

Các nhà báo Trung Quốc, xưa nay bị chê trách chỉ đến ngồi – lắng nghe và lặng im trước đông đảo các đồng nghiệp trong khu vực, ngay cả khi họ được hỏi về chính sách của chính phủ mình đối với việc phát triển đập thuỷ điện, nhưng nay đã chủ động bày tỏ ý kiến một cách tích cực.