Xử lý chất thải ven biển Bình Thuận

Xử lý chất thải ven bờ biển là vấn đề khá nan giải, nhất là từ khi du lịch biển Bình Thuận phát triển mạnh, hơn 192 km bờ biển với nhiều thắng cảnh nổi tiếng được khai thác phục vụ du lịch sinh thái. Chất thải đã trở thành vấn đề bức xúc, nếu không có những giải pháp tháo gỡ kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới môi trường và phát triển du lịch.

Thực trạng nhức nhối

Một điểm chung nhất dọc theo ven bờ biển đủ các loại chất thải từ chất thải đô thị, chất thải sinh hoạt, chất thải từ hoạt động nông nghiệp, rác bệnh viện, chất thải từ những hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, rác từ giao thông vận tải trên biển (dầu thải, nước thải), rác từ hoạt động khai thác dầu khí, tảo độc, sinh vật từ các khu vực biển bị “thủy triều đỏ”… đều được thải trực tiếp ra biển.

Trong các loại chất thải trên có nhiều loại khó phân hủy như: bao ni-lông, cao-su, chai nhựa… trôi nổi nhiều ngày trên biển, gây ra sự hủy hoại môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của con người. Ðiều đáng lo ngại nhất là rác thải trôi dạt ven bờ biển thường bắt gặp nhiều ở các cửa sông, khu neo đậu tàu thuyền, khu dân cư và khu phát triển du lịch.

Qua khảo sát tại địa bàn thành phố Phan Thiết hằng ngày lượng rác thải đô thị thải ra khá lớn, khoảng trên 100 tấn/ngày; lượng rác thải do cơ sở sản xuất ước tính chất thải rắn 20-23 tấn/ngày; chất thải lỏng 150-200 m3/ngày; trong mùa chế biến hải sản, rác thải tăng thêm từ 200-300 tấn vỏ nhuyễn thể. Trong số đó một lượng chất thải được tuôn ra biển, có lúc tại bờ biển Hòn Rơm – Hàm Tiến rác tấp vào bờ 25-30 tấn/ngày.

Chất thải từ hoạt động nông nghiệp cũng là vấn đề nan giải, việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu tùy tiện, xử lý các nguồn phân gia súc, phân người chưa tốt đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Chất thải từ đất liền theo bảy dòng sông lớn đổ ra biển rồi sóng lại đánh tấp vào bờ gây ô nhiễm các bãi tắm, khu du lịch. Nhất là tại vịnh Phan Thiết chất thải từ hai con sông Cà Ty và Sông Cái đổ ra vịnh, ứ đọng dài ngày nhiều loại rác sinh hoạt, sản xuất, chế biến thủy sản thành những “núi” rác nhỏ.

Ngoài ra, do một số người dân và khách đến du lịch thiếu ý thức đã thải một lượng rác khá lớn ra bãi biển. Qua ước tính tại khu vực bãi biển Mũi Né – Hòn Rơm mỗi ngày có khoảng 700 người bán hàng rong. Những thứ họ bán cho du khách chủ yếu là hải sản tươi sống, đồ ăn sẵn… Nhiều du khách đã “xả” rác bừa bãi ra bãi cát. Ước tính mỗi ngày người bán hàng rong tiêu thụ khoảng 3,5 tấn hải sản và những sản phẩm khác.

Bảo vệ môi trường du lịch biển

Trước thực trạng trên, thời gian qua các ngành chức năng, các địa phương có bờ biển đã có nhiều biện pháp tổ chức thu gom rác trên sông, ven biển… nhằm góp phần giữ gìn môi trường du lịch biển.

Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom rác thải mới đạt từ 55-70%. Tình trạng rác vương vãi còn nhiều, nhất là các khu dân cư, khu du lịch ven biển. Ðáng lưu tâm hơn là rác thải trôi dạt vào bờ biển vẫn chưa có biện pháp thu gom, xử lý.

Trong lần khảo sát môi trường biển gần đây tại Bình Thuận, PGS.TS Phùng Chí Sĩ, Viện kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cho biết: “Mũi Né chiếm hơn 70% số lượng resort của Việt Nam và trở thành thủ đô resort. Ðiều đáng chú ý nhất ngoài chất lượng phục vụ du lịch, bên cạnh đó điều cần phải quan tâm nữa là chất lượng nước biển tại các bãi tắm và vấn đề thu gom, xử lý rác trôi dạt vào khu vực bãi tắm. Chúng ta phải làm sao giữ được nét đẹp hoang sơ, môi trường trong lành là yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch đến với Bình Thuận”…

UBND thành phố Phan Thiết đã chỉ đạo các phường, xã, vận động nhân dân giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường sạch đẹp để phục vụ phát triển du lịch sinh thái bền vững; kiểm tra việc thu gom, xử lý rác, nước thải tại các cơ sở kinh doanh du lịch và các bãi tắm. Các phường, xã, thị trấn tổ chức ra quân tổng vệ sinh, bảo vệ môi trường bãi biển.

Trong tháng 3/2007 thành phố Phan Thiết đã huy động 10 phường, xã ven biển, 40 resort và lực lượng của Công ty Công trình đô thị, đoàn viên thanh niên đồng loạt ra quân gom rác ở các tuyến du lịch, ước tính đợt thu gom chất thải này có hơn 1.000 người tham gia. Các địa phương tăng cường việc lập lại kỷ cương pháp luật về Luật Bảo vệ môi trường, đình chỉ các cơ sở đủ điều kiện nhưng cố tình trì hoãn, kéo dài việc gây ô nhiễm, không chịu xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tăng cường các biện pháp xử lý nước thải từ các khu du lịch, khu dân cư, dịch vụ, sản xuất.

Hiện nay ở các khu du lịch Phan Thiết – Mũi Né mới có 5/84 cơ sở du lịch xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, còn lại phần lớn cơ sở chưa đầu tư đúng mức cho việc thu gom, xử lý nước thải.

Thiết nghĩ, giải pháp cấp thiết hiện nay ở các vùng ven biển phát triển du lịch là cần tăng cường giáo dục ý thức giữ gìn môi trường bền vững; ngăn chặn việc xả rác, chất thải trực tiếp ra biển; đầu tư trang bị, thiết bị cho việc thu gom, vận chuyển rác. Trong đó, cần chú ý trang bị các tàu thu gom, vận chuyển rác chuyên dùng để gom rác trên sông, khu vực ven bờ biển du lịch; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc thu gom rác. Nhất là các khu du lịch trang bị các thiết bị thu gom rác trên bờ biển và tàu gom rác ven biển, bãi tắm; cần quản lý chất thải rắn trên từng địa bàn, giảm thiểu lượng chất thải đổ ra biển gây ô nhiễm môi trường biển, bãi tắm, khu du lịch.

Có thể nói, để giải quyết chất thải ven biển có hiệu quả đòi hỏi phải có sự hưởng ứng và thực hiện đồng bộ của các cấp, các ngành, từng khu du lịch và mỗi người dân vùng ven biển.