Đắc Lắc: Rừng bị tàn phá nhiều do buông lỏng quản lý

Thời gian gần đây, rừng của Đắk Lắk bị tàn phá với mức độ gia tăng. Ngay từ đầu năm 2007, lâm tặc đã ngang nhiên chặt phá 50 ha rừng của khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka thuộc địa xã Buôn Tría và hàng chục ha rừng thuộc xã Krông Nô (huyện Lắk) để lấy gỗ bán và sử dụng đất sản xuất. Mặc dù rừng bị lâm tặc tàn phá nhiều, nhưng cán bộ xã bỏ mặc, nhân viên kiểm lâm địa bàn bỏ mặc, hoặc biết nhưng đã làm lơ không xử lý.

Tại Vườn quốc gia Chư Yang Sin lâm tặc đã lén lút lên vùng rừng lưng chừng núi chặt trộm gỗ pơ mu và đặt bẫy săn bắt các loại động vật quý hiếm như beo lửa và một số động vật thuộc họ linh trưởng. Tuy vậy, đến mãi gần đây, ngành lâm nghiêp và ban quản lý vườn mới phát hiện và triển khai lực lượng truy quét lâm tặc và triển khai công tác bảo vệ tại “điểm nóng“.

Hiện nay, huyện Ea Súp là địa bàn đang “nóng“ lên về tình trạng phá rừng và khai thác lâm sản trái phép. Trong lúc xã Cư M’lan vừa nhận lại 15 tiểu khu rừng của lâm trường chưa kịp giao khoán cho dân, thì lâm tặc đã nhanh chóng tập trung phương tiện cơ giới chặt 699 m3 gỗ nhóm 2, nhóm 3 và nhóm 4 thuộc các tiểu khu rừng 292 và 283. Lợi dụng giấy phép của tỉnh cho tận thu gỗ cành ngọn, gỗ khô trong vùng khai hoang, một doanh nghiệp tư nhân ở thành phố Buôn Ma Thuột đã khai thác trên 300 m3 gỗ tại những khu rừng thuộc xã Ea Rvê (Ea Súp). Đặc biệt, tại những tiểu khu rừng của lâm trường Ea H’leo đã giao cho cộng đồng dân cư của Buôn Chăm, xã Ea Sol (huyện Ea H’leo) quản lý bảo vệ cũng đang bị chính chủ rừng chặt phá không thương xót, chuẩn bị cho mùa làm rẫy. Một số diện tích rừng vùng lân cận cũng bị chính những người dân nhận khoán bảo vệ ngang nhiên chặt phá với lý do đơn giản là lấy đất canh tác.

Nguyên nhân rừng bị chặt phá gia tăng, do các lâm trường, ban lâm nghiệp xã giao rừng cho dân quản lý bảo vệ, nhưng sau đó bỏ mặc, không chịu đi giám sát, kiểm tra và đánh giá chất lượng rừng của từng hộ, từng nhóm cộng đồng dân cư. Một số địa bàn giao rừng cho dân quản lý quá xa nơi ở vài ba chục kilômét, nên bà con không thường xuyên thăm rừng, dễ bị lâm tặc lợi dụng chặt phá. Đối với một số cán bộ, nhân viên hạt kiểm lâm của các huyện không bám sát địa bàn, có khi còn có biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Do vậy, nhiều địa bàn, nhiều khu rừng đã giao khoán cho dân, nhưng rừng vãn bị chặt phá, hoặc để dân phát đốt làm rẫy.