2030, Thị Vải sẽ trở thành sông ‘chết’

Theo TS Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Bộ TN&MT, với tốc độ tăng trưởng dân số và tốc độ gây ô nhiễm như hiện nay đến năm 2030, sông Thị Vải sẽ trở thành sông “chết”.

Theo ông Nguyên, việc Thị Vải trở thành sông “chết” trong tương lai đã được các cơ quan chức năng cảnh báo từ lâu. Theo đó, Thị Vải sẽ trở thành sông “chết” vào năm 2050. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển cơ học về dân số, sản xuất kinh tế như hiện nay con sông này sẽ “chết”sớm hơn so với dự báo 20 năm.

Báo cáo mới đây của Cục Bảo vệ Môi trường cũng cho thấy sông Thị Vải hiện là một trong những con sông ô nhiễm nhất trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai với một đoạn sông “chết” dài trên 10km. Đây là đoạn sông từ sau khu vực hợp lưu Suối Cả – sông Thị Vải khoảng 2 km đến khu công nghiệp Mỹ Xuân. Hiện nước ở khu vực này bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, có màu nâu đen và bốc mùi hôi thối kể cả thời gian triều lên và triều xuống.

Giá trị DO (ôxy hòa tan) tại đây thường xuyên dưới 0,5 mg/l (giá trị thấp nhất tại khu vực). Với giá trị DO gần bằng 0 như vậy, các loài sinh vật không còn khả năng sinh sống.

Bên cạnh đó, lượng vi khuẩn coliform có trong nước sông ở khu vực này cũng vượt tiêu chuẩn cho phép từ vài chục đến hàng trăm lần. Hàm lượng thủy ngân tại khu vực cảng Vedan, cảng Mỹ Xuân cũng vượt 1,5 – 4 lần, lượng kẽm vượt 3 – 5 lần tiêu chuẩn cho phép.

Theo TS Nguyên, nguyên nhân dẫn khiến sông Thị Vải thành sông “chết” là do các nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, sinh họat, y tế, nông nghiệp…không được xử lý triệt để và đổ thẳng vào dòng chảy của sông. Trong số các nguồn thải có lưu lượng thải lớn, nước thải sinh họat và nước thải công nghiệp đóng góp tỷ lệ lớn nhất với tải lượng các chất ô nhiễm rất cao.

Theo Cục Bảo vệ Môi trường, trước tình hình ô nhiễm nghiêm trọng tại sông Thị Vải, cuối năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai và Bà rịa – Vũng Tàu tạm thời không cho phép đầu tư 5 loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là: Chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm và thuộc da.

5 loại hình công nghiệp khác cũng bị hạn chế cấp phép là: Công nghiệp xi mạ, chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất phân bón và sản xuất bột giấy trên lưu vực sông Thị Vải.