Những vùng đất than bùn ở Đông Nam Á đang bị đe doạ

ThienNhien.Net – Nạn đốn gỗ một cách bừa bãi, khô hạn và các vụ cháy đang đe doạ tới các vùng đất than bùn ở Đông Nam Á và góp phần gây ra một trong những thảm họa môi trường đáng sợ nhất trong thời đại ngày nay.

Một bản báo cáo công bố trong tháng 12/2006 (do Delft Hydraulics phối hợp với Wetlands International và Alterra thực hiện) về tình trạng khí cacbonic bốc lên từ những vùng đất than bùn bị khô cạn ở Đông Nam Á đã đưa ra những con số đáng kinh ngạc. Trước kia, những khu vực này từng là những cánh rừng ngập nước. Giờ đây, nạn khai thác rừng để lấy gỗ, mở các đồn điền trồng cọ và trồng gỗ nguyên liệu đã dẫn đến sự khô cạn trên diện rộng, khiến cho một lượng lớn than bùn bị ôxi hóa và sinh ra khí cacbonic.

Những vùng rừng nhiệt đới giàu than bùn ở Đông Nam Á chứa ít nhất 42.000 triệu tấn cacbon ở thể rắn (gấp đôi tổng lượng khí CO2 phát thải hàng năm). Loại cacbon này ngày càng tỏa vào bầu khí quyển nhiều hơn do sự khô cạn và các hiện tượng cháy mà nguyên nhân là sự phát triển của các đồn điền và tình trạng đốn gỗ bừa bãi. Lượng khí cabonic thoát ra từ những vùng đất than bùn ở Đông Nam Á hiện nay chiếm gần 8% lượng khí cacbonic thải ra của cả thế giới.

Dầu cọ – sản phẩm nông nghiệp quan trọng được thu hoạch trên vùng than bùn đã cạn nước – là loại nhiên liệu sinh học ngày càng được sử dụng rộng rãi ở châu Âu. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc tháo cạn nước để phục vụ cho các đồn điền trồng cọ đang thải ra lượng khí CO2 lên đến 70 – 100 tấn/hecta.

Trong số 27 triệu hecta đất than bùn ở Đông Nam Á, đã có 12 triệu hecta bị phá hủy và hầu hết đều bị cạn nước, tương đương với 45% diện tích. Đất than bùn bị rút cạn nước để sử dụng cho lâm nghiệp. Ngày nay, ở nhiều nơi thuộc khu vực Đông Nam Á, sau khi rừng bị chặt phá, diện tích đất bị rút cạn nước để mở các đồn điền có quy mô lớn như các đồn điền trồng cọ để lấy dầu hay các đồn điền trồng keo lấy gỗ ngày một tăng lên. Đặc biệt, tình trạng khí cacbonic bốc hơi từ những đồn điền này rất cao, lên tới 100 tấn CO2/1 hecta mỗi năm so với con số một vài tấn ở những khu vực khai thác gỗ trong thời gian gần đây. Các vùng than bùn tự nhiên không thải khí CO2

Nguồn gốc sản sinh khí CO2 tại những vùng than bùn là do quá trình phân hủy, lượng khí CO2 được tạo ra trung bình khoảng 632 triệu tấn/năm (dao dộng từ 355 đến 874 triệu tấn). Tình trạng này sẽ vẫn tăng trong những thập kỷ tới trừ khi con người tiến hành thay đổi các biện pháp quản lý đất và các kế hoạch phát triển đất than bùn từ nay cho tới sau thế kỷ 21.

Bên cạnh đó, ước tính trong giai đoạn 1997-2006, trung bình hàng năm có tới 1.400 triệu tấn CO2 bốc lên do các vụ cháy ở những vùng đất than bùn. Nguyên nhân của các vụ cháy này là do sự khô cạn và hoạt động phá huỷ của con người. Tổng lượng khí CO2 bốc lên từ những vùng đất này hiện tại là 2.000 triệu tấn/năm, tương đương với gần 8% lượng CO2 sản sinh do việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Các kiểu sản sinh khí CO2 như thế này đang tăng lên một cách nhanh chóng từ năm 1985 trở lại đây và chừng nào mà con người chưa xúc tiến những động thái mới thì tình trạng này sẽ còn tiếp tục gia tăng hơn nữa. Đáng chú ý là hơn 90% lượng khí CO2 than bùn là từ Indonesia, quốc gia có lượng khí thải CO2 đứng thứ 3 thế giới sau Mĩ và Trung Quốc.

Các vùng rừng trên đất than bùn bị khô cạn và tàn phá ở Đông Nam Á đang là nguồn sản sinh ra lượng khí cacbonic khổng lồ trên thế giới và cũng là một trở ngại chính trong những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đạt được mục tiêu ổn định lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Vì vậy các nhà khoa học đã đưa ra khuyến nghị rằng: Cộng đồng quốc tế cần hành động để giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia để bảo tồn hơn nữa các nguồn than bùn thông qua công tác bảo vệ rừng và cải thiện công tác quản lý nước với mục tiêu nhanh chóng phục hồi trữ lượng nước cao trước đây.