Vì một Thủ đô không ô nhiễm

ThienNhien.Net – Cách đây chưa lâu, tin Hà Nội được xếp vào danh sách là “1 trong 10 đô thị sạch, đẹp nhất” cả nước năm 2009 đã trở thành một sự kiện được dư luận khá quan tâm, nhưng băn khoăn nhiều hơn phấn khởi… Là người Việt Nam, ai cũng muốn được “thơm lây” vì các tiếng khen về một Thủ đô luôn đi đầu, về nhất. Nhưng có một thực tế khó phủ nhận là dân cư Hà Nội ngày càng đông (hiện có trên 6,2 triệu dân chưa kể hàng trăm ngàn lao động ngoại tỉnh và khách vãng lai), cơ sở hạ tầng thì đang trong quá trình đô thị hóa, đồng nghĩa với môi trường Hà Nội đang bị ngày càng xuống cấp, ô nhiễm đến mức báo động cả về bụi, lẫn tiếng ồn và rác. .. Chỉ một câu hỏi đơn giản thôi: Bao giờ Hà Nội hết rác trên đường phố, cũng thật khó trả lời ngay!


Một góc nhìn thực trạng

Nhiều người ở nước ngoài về, đã từng phải nhận xét thấy buồn về sự xuống cấp của môi trường Hà Nội hiện nay… Có một cảnh tượng dễ bắt gặp tại nhiều nơi, nhiều lúc, đó là nạn đổ rác tùy tiện trên các tuyến hè đường, các khu dân cư, các nơi công cộng… do một bộ phận không nhỏ người dân chưa có nếp sống văn minh; chưa kể rác bẩn, ô nhiễm do các hàng quán, bán rong xả ra thường xuyên hàng ngày ngay trên các đường phố. Khó tìm thấy một con đường nào thật sự hoàn chỉnh, ngay cả đường Nguyễn Chí Thanh – được gắn biển là “Con đường đẹp nhất” cũng không đẹp hoàn chỉnh, bởi còn công trình xây dựng mọc lên ở đâu thì còn đất thải, phế thải, bụi bặm xuất hiện theo nơi đó…

Đặc biệt, tại các vùng ngoại thành vốn được coi là chốn đồng quê thiên nhiên, đầy gợi cảm với người ở nội thành cũng đang phải đối mặt trước một thực tế khá phổ biến là đất thải, rác thải không được thu gom, phần lớn còn trút xuống mương, ao, hoặc lưu cữu bên các trục đường giao thông lớn, hay nằm trong các đường làng, ngõ xóm …

Là đơn vị quản lý rác sinh hoạt lớn nhất, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết, tổng khối lượng rác sinh hoạt (RSH) trên địa bàn toàn thành phố ước tính khoảng 5.500 tấn/ngày. Hiện có khoảng 3.500 tấn/ngày đêm RSH trên địa bàn Hà Nội mới bao gồm 100% rác nội thành cũ, 75% rác thải khu vực ngoại thành cũ và một phần của quận Hà Đông đã được thu gom, vận chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn – huyện Sóc Sơn.

Tuy nhiên, tại khu xử lý chất thải rắn lớn nhất thành phố rộng 83,5 ha này hiện đang quá tải do phải gánh thêm lượng rác phát sinh sau khi mở rộng thành phố, dự kiến sẽ bị lấp đầy trong 2 năm nữa (tháng 12/2011). Trên địa bàn Hà Nội phần mở rộng, chỉ có 4 đơn vị trực tiếp thu gom, vận chuyển rác thải ở Hà Đông, Sơn Tây và 2 doanh nghiệp tư nhân ở huyện Chương Mỹ, mỗi ngày mới có 1.100 tấn rác phát sinh, đạt khoảng 50% tổng lượng rác được thu gom, vận chuyển đến các bãi chôn lấp…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay mới có 76 xã, phường tổ chức thu gom, vận chuyển rác đi xử lý, chôn lấp tại các bãi rác của thành phố, đạt tỷ lệ 17 %. Còn khoảng 83% rác thải ở khu vực nông thôn Hà Nội vẫn được chôn lấp tự do, xử lý một cách tự phát, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Cần một chế tài đủ mạnh…

Để môi trường Thủ đô phát triển bền vững, thành phố đang tiến hành nghiên cứu một Quy hoạch tổng thể về môi trường đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 với những kế hoạch về đầu tư quỹ đất và định hướng sử dụng công nghệ để xử lý các loại chất thải đô thị.

Theo các chuyên gia tư vấn về môi trường của một số nước phát triển cho biết, với các dây chuyền công nghệ tiên tiến, người ta có thể thu hồi lại 40% giá trị kinh tế từ các loại rác thải sinh hoạt. Nhờ kết hợp giữa công nghệ hiện đại trong đốt rác với thu lại năng lượng để phát điện cho xử lý chất thải, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã trở nên giàu có từ việc chế biến rác thành những vật phẩm tiêu dùng, hấp dẫn không thể ngờ tới và rất thân thiện với môi trường.

Nhưng để theo kịp các nước tiên tiến, môi trường Hà Nội còn quá nhiều vấn đề tồn tại phải giải quyết .. Trước hết, không thể coi nhẹ việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm cho người dân không tùy tiện xả rác ra đường, vứt rác vào đúng nơi qui định, chấp hành việc phân loại rác ngay từ đầu nguồn theo chương trình 3R, hạn chế tiến tới không sử dụng túi nilông làm túi đựng hàng, để lại hậu quả hàng trăm năm sau cho con người và đất …

Về phía quản lý, các ngành chủ quản xây dựng, môi trường đô thị cũng đang đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường năng lực quản lý chất thải, trong đó có giải pháp xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường, có chính sách cụ thể khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý; đưa nội dung giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh vào trường học, ngay từ bậc học mầm non …

Đồng thời, cùng với việc tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, cần có sự phân cấp trách nhiệm quản lý môi trường địa bàn đến chính quyền cấp cơ sở, xem xét giao khoán vỉa hè sạch tới các hộ gia đình, tổ dân phố… Hiện nay, chính quyền Hà Nội đang khẩn trương tiến hành xem xét Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên toàn địa bàn thành phố để chính thức ban hành, áp dụng cho mọi tổ chức cá nhân và hộ gia đình, kể cả các tổ chức, cá nhân người nước ngoài…

Theo đó, các tổ chức, cá nhân được cung ứng dịch vụ vệ sinh, xả thải hoặc có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn thông thường (các chất thải rắn nguy hại, y tế có quy định riêng của UBND thành phố), đều bắt buộc phải nộp Phí vệ sinh hàng tháng theo qui định hiện hành. Ngoài trách nhiệm chung của các sở, ngành trong thành phố, để tăng cường hiệu lực quản lý, Công an thành phố cũng chỉ đạo Phòng cảnh sát môi trường cùng “vào cuộc” với liên ngành, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Dư luận cho rằng nếu như từ năm 1996, thành phố đã ban hành Quy định xử phạt các hành vi vi phạm hành chính từ mức thấp nhất 10.000 đ (vứt rác ra hè phố) đến 5.000.000 đồng và tịch thu phương tiện khi đổ phế thải hoặc rác sản xuất xuống sông …thì đến nay, chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành chính này cần phải mạnh hơn, triệt để hơn mới đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm. Hy vọng, với sự ra quân đồng bộ của toàn xã hội, Hà Nội sẽ thực sự xứng đáng với danh hiệu đô thị sạch đẹp nhất trong cả nước.