Xoá bỏ lệnh cấm buôn bán hổ, thảm hoạ cho "ông ba mươi"

Bất kể xoá bỏ hay chấm dứt luật cấm buôn bán hổ ở Trung Quốc, việc làm này vẫn là một phán quyết tử hình cho loài động vật thuộc họ mèo đang có nguy cơ tuyệt chủng này, báo cáo mới nhất của TRAFFIC nhận định.

Bất kể xoá bỏ hay chấm dứt luật cấm buôn bán hổ ở Trung Quốc, việc làm này vẫn là một phán quyết tử hình cho loài động vật thuộc họ mèo đang có nguy cơ tuyệt chủng này, báo cáo mới nhất của TRAFFIC nhận định.

Bản báo cáo cảnh báo rằng các doanh nghiệp Trung Quốc, những người được hưởng lợi từ các hoạt động buôn bán hổ, đang đặt áp lực lên chính phủ Trung Quốc để bỏ lệnh cấm năm 1993. Điều này có nghĩa là chính phủ sẽ lại cho phép buôn bán trong nước các sản phẩm từ hổ nuôi để sử dụng trong việc làm thuốc truyền thống và may quần áo.

Theo WWF và TRAFFIC (mạng lưới theo dõi buôn bán động thực vật hoang dã của WWF và IUCN – Hiệp hội Bảo tồn Thế giới), lệnh cấm của Trung Quốc là cần thiết để ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài hổ, hạn chế nhu cầu tiêu dùng đối với số lượng người tiêu thụ các bộ phận hổ lớn nhất thế giới trong lịch sử.

Để thực hiện Công ước CITES, lệnh cấm dẫn đến việc phải gần như xoá bỏ thị trường trong nước về các sản phẩm đông y làm từ hổ.

Steven Broad, Giám đốc của TRAFFIC phát biểu. “Việc xoá bỏ lệnh cấm và cho phép buôn bán các sản phẩm hổ nuôi sẽ khiến cho những nỗ lực mà chính phủ Trung Quốc đầu tư vào việc bảo vệ loài hổ hoang dã trở nên phí hoài. Điều này sẽ là một thảm hoạ cho công cuộc bảo tồn loài hổ”.

Phạm vi thực hiện và tăng cường lệnh cấm buôn bán ở Trung Quốc mở rộng từ các chiến dịch giáo dục cộng đồng và quảng bá những phương thuốc thay thế cho các sản phẩm thuốc làm từ hổ cho đến những hình phạt nghiêm khắc đối với những đối tượng vi phạm luật, bản báo cáo chỉ rõ.

Kết quả là, theo một khảo sát của TRAFFIC, chỉ một số lượng xương hổ nhỏ được tìm thấy tại thị trường Trung Quốc.

Chưa đến 3% trên tổng số 663 cửa hàng thuốc và các tiệm phân phối bán sản phẩm này và hầu hết các chủ cửa tiệm đều nhân thức được hổ là loài được bảo vệ và buôn bán chúng là trái pháp luật.

Tuy nhiên, bản báo cáo khảo sát số 17 của TRAFFIC dẫn chứng về rượu xương hổ để bán trên trang web đấu giá của Trung quốc với một người bán hàng chào mời có số lượng 5,000 chai.

Đồng thời nhu cầu về sử dụng bộ da của các loài động vật lớn thuộc họ mèo như là một biểu tượng địa vị thời trang đang gia tăng, đặc biệt là ở Khu vực tự trị Tây Tạng, Trung Quốc.

Khoảng ba phần trăm người Tây tạng ở các thị trấn lớn thừa nhận có sử dụng các sản phẩm may mặc làm từ da hổ và báo dù rằng họ biết đó là phạm pháp.

Số lượng nhà đầu tư gia tăng trong việc mở các trang trại nuôi hổ tại Trung Quốc đang thúc đẩy hợp thức hoá việc buôn bán các sản phẩm từ những trang trại này. Khoảng 4,000 cá thể hổ đang được tư nhân nuôi ở Trung Quốc, bản báo cáo nhấn mạnh.

“Cấp phép lại cho việc buôn bán các bộ phận hổ, cho dù là hổ nuôi cũng chắc chắn sẽ dẫn tới việc gia tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm này”, tiến sĩ Susan Lieberman, Giám đốc chương trình về loài toàn cầu của WWF, nói.

“Và một thị trường hợp pháp ở Trung Quốc sẽ mang đến cho những người săn bắt trộm khắp Châu Á một địa điểm để “rửa” những con hổ bị giết trong thiên nhiên, đặc biệt khi mà các sản phẩm hổ nuôi và hổ hoang dã không thể phân biệt được trên thị trường”.

WWF và TRAFFIC kêu gọi chính phủ Trung Quốc hãy duy trì lệnh cấm buôn bán trong nước này, tăng cường thực thi pháp luật chống lại việc buôn bán trái phép hổ và các loài mèo lớn châu Á, đặc biệt là da hổ; tạm ngừng hoạt động đối với việc gây giống loài hổ, huỷ bỏ các nhà kho chứa xác hổ; và nâng cao nhận thức của người dân về những lệnh cấm buôn bán hiện hành.