Các nhà vận động kêu gọi Indonesia gia hạn lệnh cấm cấp phép dự án cọ dầu

Năm 2018, tổng thống Indonesia ký ban hành lệnh cấm cấp phép mới đối với các đồn điền trồng cọ dầu trước những lo ngại về vi phạm môi trường, xung đột đất đai và vi phạm quyền lao động. Lệnh tạm hoãn sẽ có hiệu lực đến ngày 19/9, do đó, các quan chức và nhà hoạt động ở Indonesia đang kêu gọi tiếp tục gia hạn chính sách này.

Các nhóm kêu gọi cho rằng lệnh cấm đã mang lại một số cải thiện cho ngành đồn điền vốn lâu nay gắn liền với nạn phá rừng, xung đột đất đai và lạm dụng quyền lao động. Bên cạnh đó, lệnh tạm hoãn cũng chưa giải quyết được nhiều vấn đề còn tồn tại và việc gia hạn sẽ giúp chính phủ cùng các bên liên quan có thêm thời gian để đạt được những tiến bộ cần thiết. Mặc dù không có nhượng quyền trồng cọ dầu mới nào được chấp thuận kể từ 2018 nhưng các nhượng địa vẫn được cho phép và các hoạt động phát quang, trồng mới vẫn được tiến hành.

Hiện chính phủ vẫn chưa quyết định tiếp tục gia hạn hay không nhưng một số quan chức cấp cao đã thể hiện sự ủng hộ với việc tiếp tục duy trì lệnh cấm.

“Chúng tôi đang đánh giá lệnh tạm hoãn. Nếu nó hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục vì tôi nghĩ rằng quy mô đồn điền cọ dầu của Indonesia đã đủ rộng lớn. Điều quan trọng là tăng năng suất cọ dầu trên tổng diện tích đồn điền hiện có”, Thứ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Alue Dohong cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến gần đây.

Cũng theo vị Thứ trưởng, khía cạnh bền vững của lệnh cấm sẽ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Indonesia. Không giống như hầu hết các quốc gia phát thải lớn khác – nơi sản xuất điện và giao thông vận tải chiếm phần lớn lượng khí thải, nguồn phát thải hàng đầu của Indonesia là phá rừng và thay đổi mục đích sử dụng đất.

Bộ Môi trường đã đặt mục tiêu biến các khu rừng của Indonesia thành một bể chứa carbon ròng vào năm 2030 thông qua nhiều biện pháp khác nhau, chẳng hạn như làm chậm nạn phá rừng và trồng nhiều cây hơn. “Vì vậy, việc tiếp tục lệnh cấm để đạt được mục tiêu này vào năm 2030 là rất cần thiết”, Thứ trưởng Alue nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Musdhalifah Machmud cũng cho rằng lệnh tạm hoãn đã mang lại một số lợi ích, bao gồm giảm phát thải khí nhà kính và tăng năng suất trên mỗi ha đồn điền. Tuy nhiên, hiện chưa có quyết định nào về tương lai của chính sách này. “Chúng tôi sẽ báo cáo sự tiến triển của lệnh tạm hoãn và tổng thống sẽ quyết định có gia hạn tiếp hay không”, bà Musdhalifah cho biết.

Indonesia là nhà sản xuất cọ dầu lớn nhất thế giới, một sản phẩm được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm hàng ngày, từ dầu gội và xà phòng đến son môi, bánh mì, bơ thực vật. Đây là loại dầu thực vật được tiêu thụ nhiều nhất thế giới và là loại dầu có năng suất cao nhất với lượng dầu trên mỗi ha cao gấp 10 lần so với đậu nành. Nhưng ở Indonesia, phần lớn hoạt động sản xuất cọ dầu đều phải trả giá bằng rừng nhiệt đới, đất than bùn và đất của người bản địa và cộng đồng – tất cả đều bị dọn sạch để nhường chỗ cho các đồn điền công nghiệp rộng lớn.

Khai phá rừng để trồng cọ dầu ở Riau, Indonesia (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay)

Các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo việc không gia hạn lệnh cấm sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các khu rừng nhiệt đới còn lại của Indonesia.

Dữ liệu từ Madani, tổ chức phi chính phủ về môi trường cho thấy có tới 3,58 triệu ha rừng tự nhiên đã được chính phủ cấp phép làm đồn điền vào năm 2019. Ngoài ra, 5,7 triệu ha rừng tự nhiên khác cũng được dành cho các hoạt động công nghiệp – điều này có nghĩa là chúng đủ điều kiện để được cấp phép thành đồn điền trong tương lai. Những khu vực này được gọi là rừng sản xuất chuyển đổi hay HPK.

Cũng theo Madani, có tới 3,8 triệu ha đất than bùn giàu carbon bên trong các khu nhượng quyền trồng cọ dầu. Tuy nhiên, những khu rừng và hệ sinh thái này có thể biến mất nếu không có lệnh cấm để hạn chế việc mở rộng đồn điền cọ dầu vào các khu vực có rừng và bảo vệ các khu rừng tự nhiên đã được cấp phép làm đồn điền.

“Nếu lệnh cấm sử dụng cọ dầu không được kéo dài và tăng cường, tỷ lệ phá rừng sẽ tăng trở lại và Indonesia có nguy cơ không đáp ứng được cam kết về khí hậu của mình. Bằng cách cứu 3,8 triệu ha đất than bùn khỏi nạn phá rừng, chúng ta có thể ngăn chặn việc thải ra 11,5 triệu tấn CO2 mỗi năm do đốt và chuyển đổi đất, góp phần không nhỏ vào các cam kết về khí hậu của Indonesia”, Trias Fetra, phụ trách chương trình quản lý cọ dầu tại Madani cho biết.

Đồn điền cọ dầu ở Riau, Sumatra, Indonesia (Ảnh: Rhett A. Butler / Mongabay)

Theo Agung Ady Setyawan thuộc tổ chức phi chính phủ Forest Watch Indonesia (FWI), việc gia hạn lệnh cấm cũng rất quan trọng vì vẫn còn một danh sách dài các vấn đề chưa được giải quyết trong chính sách hiện tại. “Chính phủ và các bên liên quan phải nhận ra rằng chỉ số thành công không chỉ là không cấp giấy phép mới trong thời gian tạm hoãn. Nó cũng phải giải quyết các vấn đề về năng suất, sự chấp nhận của thị trường, nạn phá rừng, sự chắc chắn về mặt pháp lý cho những người nông dân trồng cọ dầu, giấy phép chồng chéo và xung đột đất đai”, Agung Ady Setyawan nhấn mạnh.

Một trong những vấn đề dai dẳng trong ngành cọ dầu là sự phổ biến của các đồn điền bất hợp pháp mà lệnh cấm không giải quyết được triệt để. Luật pháp Indonesia cấm các đồn điền trồng cọ dầu được thành lập bên trong các khu vực được coi là rừng nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Bộ Môi trường đã xác định được 3,37 triệu ha đồn điền trồng cọ dầu bất hợp pháp, tương đương diện tích đất nước Hà Lan, nhưng điều đáng nói là hơn 1/5 diện tích đồn điền bất hợp pháp này sẽ sớm được hợp pháp hóa vì những người khai thác đang xin thay đổi tên gọi của khu rừng.

Arie Rompas từ tổ chức Greenpeace Indonesia cho rằng nếu chỉ thu hồi giấy phép là không đủ. Chính sách cấm sử dụng cọ dầu trong tương lai có thể hoạt động như một hành động khắc phục để giải quyết các đồn điền cọ dầu bên trong các khu vực rừng. Và một trong số những hành động đó là trả lại toàn bộ diện tích rừng còn lại bên trong các khu nhượng quyền làm diện tích rừng hoặc được xác định là có giá trị bảo tồn cao hoặc là rừng thông thường.

Người đứng đầu kế hoạch của Bộ Môi trường Ruandha Agung Sugardiman cho biết chính phủ đang làm việc để giải quyết vấn đề này bằng việc áp dụng Luật omnibus về tạo việc làm – đạo luật được thông qua vào năm ngoái nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ vì bãi bỏ một loạt các quy định trên một loạt các ngành công nghiệp, bao gồm việc lùi lại các biện pháp bảo vệ môi trường và khuyến khích các ngành khai thác như khai thác mỏ và đồn điền phát triển.

Một trong những nhượng bộ quan trọng của Luật omnibus đối với ngành công nghiệp dầu cọ là hợp pháp hóa hiệu quả các đồn điền bên trong các khu vực rừng bằng cách cho những người khai thác đồn điền có thời hạn 3 năm để có được giấy phép thích hợp.

Bản thân các nhà lập pháp cũng chỉ trích cơ chế đối phó với những đồn điền bất hợp pháp này và gọi đó là một hình thức “tẩy trắng”.

Thêm điểm cũng rất đáng quan ngại là lệnh cấm cũng chưa giải quyết được tình trạng thiếu minh bạch đang gây khó khăn cho ngành công nghiệp dầu cọ. Chính phủ đã nhiều lần từ chối công bố dữ liệu và bản đồ đồn điền với lý do chạm đến bí mật các công ty, hoạt động chống cạnh tranh và an ninh quốc gia. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về cam kết cải thiện tính bền vững và minh bạch của ngành.

Một vấn đề khác mà các tổ chức phi chính phủ đặc biệt lưu tâm là sự thực thi lệnh cấm tại các địa phương cần phải chặt chẽ hơn. Theo dữ liệu từ tổ chức phi chính phủ Sawit Watch, trong khi một số địa phương thực hiện rất tốt lệnh cấm thì chính quyền tại 19 tỉnh và 239 huyện là nơi có đồn điền cọ dầu vẫn chưa hành động theo chính sách tạm hoãn.

Tại tỉnh Tây Papua trên đảo New Guinea, chính quyền địa phương đã hợp tác với cơ quan chống tham nhũng quốc gia, KPK và tổ chức phi chính phủ EcoNusa để xem xét các giấy phép trồng cọ dầu. Cuộc kiểm toán đã xác định được 383.431 ha là rừng nguyên vẹn nằm bên trong những khu vực đồn điền và khu vực này hiện vẫn còn hoang sơ do có nhiều hành vi vi phạm pháp luật và hành chính của các công ty khiến họ không thể phát quang rừng và bắt đầu trồng cọ dầu. Sau khi xem xét, chính phủ đã hủy bỏ giấy phép cấp cho 14 nhượng quyền ở 5 huyện trong tỉnh trên tổng diện tích 267.857 ha.

Chính quyền huyện Kutai Kartanegara ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo cũng thực hiện sáng kiến ​​tương tự vào năm 2019 dẫn đến việc đề xuất thu hồi 8 giấy phép. Các chính quyền địa phương khác như huyện Sanggau ở tỉnh Tây Kalimantan và huyện Gorontalo trên đảo Sulawesi cũng đang ban hành các sắc lệnh để tuân theo chính sách tạm hoãn.

Năm 2019, chính quyền quận Buol ở Sulawesi cũng ban hành quy định ngừng cấp giấy phép mới cũng như thành lập một đội kiểm tra các giấy phép trồng cọ dầu hiện có. Chính quyền tỉnh Papua cũng đang thực hiện một cuộc kiểm tra và chính sách tương tự.

Riêng tại tỉnh Riau, chính phủ đã thành lập một đội triệt phá gần 1,4 triệu ha đồn điền bất hợp pháp trong các khu vực rừng.

Các đám cháy tại khu vực rừng và đồn điền trồng cọ dầu trên vùng đất than bùn ở Indonesia (Ảnh: Rhett A. Butler)

Tuy nhiên, bất chấp những sáng kiến ​​hiệu quả tại địa phương, hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền trung ương có tiếp tục cấm cấp phép trồng cọ dầu trên toàn quốc không.

Theo liên minh các tổ chức phi chính phủ, việc gia hạn lệnh cấm không chỉ giúp giải quyết các vấn đề còn tồn tại mà có thể thay đổi hình ảnh ngành cọ dầu của Indonesia theo hướng hướng tích cực hơn.

Inda Fatinaware, giám đốc điều hành của Sawit Watch cho rằng việc cải thiện tính bền vững của ngành trồng trọt của Indonesia sẽ làm cho sản phẩm cọ dầu của nước này trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường toàn cầu. Hiện có ít hơn 1/5 sản lượng cọ dầu thô của Indonesia được giao dịch trên toàn cầu nhưng chỉ 19% được chứng nhận bền vững. Trong khi đó, nhu cầu đối với cọ dầu được chứng nhận sẽ không ngừng tăng lên, đồng nghĩa với việc có một thị trường khổng lồ cho sản phẩm cọ dầu có nguồn gốc bền vững.

Tuy nhiên, các cơ hội chiến lược sẽ không thể thực hiện nếu chính sách tạm hoãn không được gia hạn.

Huyền Trang (Theo Mongabay)

Nguồn: